Theo Ủy ban bầu cử trung ương Nga (SIK), có khoảng 110 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bao gồm 1,89 triệu cử tri ở nước ngoài. Trên toàn nước Nga có 97.000 điểm bỏ phiếu, trong khi có hơn 400 điểm bỏ phiếu tại nước ngoài.
Trước đó, cử tri Nga sống ở hai địa điểm vùng cực Đông nước này là Kamchatka và Chukotka đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống mới. Là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới với tổng cộng 11 múi giờ, các điểm bỏ phiếu của Nga lần lượt mở cửa đón cử tri trong ngày 18/3. Các điểm bỏ phiếu mở cửa vào 8 giờ sáng (theo giờ địa phương) và đóng cửa vào 20 giờ cùng ngày. Theo đó, Kaliningrad sẽ là địa phương sau cùng khép lại cuộc bầu cử tổng thống Nga vào lúc 18 giờ GMT, tức 1 giờ sáng 19/3 (theo giờ Việt Nam).
Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm nay cũng được đánh giá là rất tốt, kỹ lượng và chu đáo. Kết quả mới nhất các cuộc điều điều tra xã hội học cho thấy hơn 90% người dân khẳng định họ nhận được thông tin đầy đủ về cuộc bầu cử tổng thống lần này. Khoảng 63-67% số người được hỏi trả lời họ sẽ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (SIK) cũng áp dụng nhiều giải pháp giúp cử tri thực hiện quyền công dân của mình như hòm phiếu di động, bỏ phiếu qua đường bưu điện, bỏ phiếu trước thời thời hạn… Tính đến hết ngày 16/3, đã có 153.500 cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có hơn 30.000 cử tri đã bỏ phiếu tại 50 quốc gia trên thế giới.
Với mục đích tạo sự công khai và minh bạch tối đa cho cuộc bầu cử, SIK đã cấp phép cho 1.455 quan sát viên đến từ 86 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế đến quan sát bầu cử, cao hơn gấp đôi so với cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012. SIK cũng khuyến khích các tổ chức xã hội, chính trị khác nhau ở trong nước tham gia giám sát quá trình bầu cử.
Tham gia trong thành phần quan sát viên, lực lượng phóng viên báo chí rất đông đảo với khoảng 5.560 nhà báo đại diện cho các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và 367 nhà báo nước ngoài. Đặc biệt, Nga chi gần 3 tỷ ruble (52 triệu USD) để lắp đặt hệ thống máy quét lá phiếu cử tri, máy đếm phiếu tự động, hệ thống camera theo dõi và thiết bị truyền hình ảnh trực tiếp tại hầu hết trong tổng số 97.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước.
Cuộc bầu cử tổng thống năm nay diễn ra rất sôi động với sự tham gia đông đảo các ứng cử viên đại diện cho những quan điểm chính trị khác nhau, trong đó có không ít gương mặt mới.
Ngoại trừ Tổng thống Vladimir Putin, ứng cử viên độc lập, không tham gia tranh luận trực tiếp và không công bố cương lĩnh tranh cử, 7 ứng cử viên còn lại đã có những màn tranh luận quyết liệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời tiến hành chiến dịch tranh cử rầm rộ nhằm thu hút lá phiếu cử tri. Theo luật bầu cử Nga, nếu không có ứng viên nào nhận được đa số trên 50% phiếu bầu, vòng 2 sẽ được tiến hành giữa hai ứng viên có số phiếu bầu cao nhất.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan thăm dò công luận Nga (VSIOM), ông Putin đang chiếm ưu thế so với các ứng cử viên khác khi nhận được sự ủng hộ của khoảng 69% số cử tri. Đứng thứ hai là ứng cử viên Pavel Grudinin, một doanh nhân được Đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) đề cử, với 7%, còn đại diện đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky nhận được 5%. Các ứng cử viên còn lại nhận được tối đa 2% số cử tri ủng hộ.