Bầu cử Tổng thống Nga: Bắt đầu cấm công bố kết quả thăm dò dư luận

Ngày 13/3, lệnh cấm công bố kết quả các cuộc điều tra xã hội học, dự báo và nghiên cứu liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra ngày 18/3 tới chính thức có hiệu lực trên toàn lãnh thổ LB Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, điều 47 Luật liên bang “Về bầu cử Tổng thống LB Nga” quy định 5 ngày trước ngày bầu cử cũng như vào đúng ngày bầu cử, các phương tiện thông tin đại chúng không được phép công bố kết quả các cuộc thăm dò dư luận, dự báo và nghiên cứu khác liên quan đến sự kiện chính trị quan trọng này.

Bên cạnh đó, luật cũng cấm đưa các dự báo kết quả lên các mạng thông tin - viễn thông, bao gồm cả Internet, mà người dân dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, vào ngày 18/3, các phương tiện thông tin đại chúng cũng không được phép công bố các dự báo về kết quả bỏ phiếu và kết quả bầu cử cho đến khi quá trình bỏ phiếu kết thúc trên toàn lãnh thổ Nga.

Hiện chiến dịch tranh cử đang ở giai đoạn vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 17/2 kéo dài đến đêm 16 rạng sáng 17/3, và sau đó sẽ là “Ngày im lặng”. Quy định này tồn tại ở đa số các nước trên thế giới để cử tri đưa ra sự lựa chọn của mình mà không chịu bất cứ áp lực nào từ bên ngoài.

Vận động tranh cử trên các phương tiện thông tin đại chúng là giai đoạn sôi động nhất trong chiến dịch tranh cử, khi các ứng cử viên đều có thể tham gia tranh luận và trình bày các đề xuất của mình với đông đảo cử tri qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, đài phát thanh và báo in.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thăm dò công luận Nga (VSIOM) công bố ngày 12/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ giành được 69% số phiếu ủng hộ. Đứng thứ hai là ứng cử viên đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin với 7%, đại diện đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky nhận được 5%. Các ứng cử viên còn lại chỉ nhận được từ 2% số phiếu ủng hộ trở xuống.

TTXVN/Báo Tin tức
Tại sao các đời tổng thống Mỹ đều ngần ngại gặp lãnh đạo Triều Tiên?
Tại sao các đời tổng thống Mỹ đều ngần ngại gặp lãnh đạo Triều Tiên?

Trước Tổng thống Donald Trump, nhiều người khác cũng từng nhận được lời mời gặp của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump trở thành nhân vật đặc biệt ở chỗ ông là người đầu tiên chấp nhận đề nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN