Ván bài kinh tế trên sàn đấu chính trịKết quả cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn ở Hy Lạp vừa qua không nằm ngoài dự đoán, với việc đảng Syriza nhận được hơn 35% số phiếu, tương đương với 145/300 ghế tại quốc hội. Về nhì là đảng Dân chủ Mới (cánh hữu) với 28% phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, tất cả các nhà quan sát đều lưu ý tỷ lệ cử tri vắng mặt lên tới 43,5%, cao hơn so với cuộc bầu cử hồi đầu năm.
Ông Tsipras có thêm 4 năm để thực hiện các nỗ lực đưa “xứ sở của các vị thần” thoát khỏi khủng hoảng nợ. Ảnh: Reuters/TTXVN
|
Đây là chiến thắng lần thứ hai của đảng Syriza và cũng là cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn lần thứ hai ở Hy Lạp kể từ đầu năm nay, được ấn định sau khi Thủ tướng Tsipras tuyên bố từ chức hồi tháng 8. Có thể nói quyết định mạo hiểm này của ông Tsipras đã được đền đáp. Với chiến thắng trên, nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất Hy Lạp này (40 tuổi) một lần nữa được người dân tin tưởng giao trọng trách đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ kéo dài 5 năm nay. Cử tri tin rằng những gì ông Tsipras đã làm là hoàn toàn vì lợi ích của người dân - điều mà họ không tìm thấy ở các nhà lãnh đạo tiền nhiệm.
Chiến thắng trên bàn cờ chính trị, ông Tsipras coi như cũng đã vượt qua “phép thử” cho quyết định đổi cải cách lấy tiền không thể chậm trễ hơn từ các chủ nợ quốc tế, và tranh thủ được sự ủng hộ của công chúng đối với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khó tránh khỏi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thoát khỏi khủng hoảng. Giới chuyên gia nhận định kết quả bầu cử là một tin tốt đối với nền kinh tế Hy Lạp cũng như châu Âu, bởi việc ông Tsipras và đảng Syriza chiến thắng sẽ làm tăng khả năng thực hiện thành công gói cứu trợ và mang lại tăng trưởng kinh tế cho Hy Lạp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sau cuộc bầu cử ngày 20/9, người dân Hy Lạp đã kiệt sức bởi đây là cuộc bầu cử thứ ba trong vòng một năm qua và là cuộc bỏ phiếu thứ năm kể từ khi “căn bệnh” nợ công bắt đầu phát tác vào năm 2010. Ông Tsipras là người hơn ai hết hiểu rõ điều này. Ông nhấn mạnh cuộc bầu cử lần này là cơ hội để truyền tải một “thông điệp quan trọng” đến châu Âu, rằng người dân Hy Lạp phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chống lại sự thao túng của các nước giàu.
Nỗ lực không ngừng nghỉÔng Tsipras giữ cương vị thủ tướng từ tháng 1/2015 sau khi đảng cánh tả Syriza giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25/1 với 149/300 ghế trong Quốc hội. Trong 7 tháng nắm quyền, ông đã bắt tay vào thực hiện "Chương trình hành động" 17 điểm, mà ông cam kết khi nhậm chức, trong đó hứa hẹn về nhà ở, thực phẩm và các dịch vụ y tế miễn phí dành cho các gia đình chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế của nước nhà. Đạo luật liên quan đến chương trình hành động này đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 3 vừa qua. Đáng chú ý trong chương trình trên là việc giảm số lượng các Bộ xuống còn 10 (dưới thời Thủ tướng Antonis Samaras có 16 Bộ).
Ông Tsipras đã cho ra đời một cơ quan chuyên trách các vấn đề về di cư - hiện tượng đang khiến cả châu Âu phải đau đầu tìm giải pháp. Tháng 5 vừa qua, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua việc thành lập Ủy ban Để điều tra nguyên nhân nợ công (gần 317 tỷ euro, tương đương 177% GDP), và cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và nhân đạo quy mô lớn tại Hy Lạp. Thành quả lớn nhất: ông Tsipras là người đã nỗ lực mọi cách để giữ Hy Lạp trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cứu đất nước này qua “cơn nguy kịch” của “căn bệnh nan y” mang tên nợ công.
Chông gai còn ở phía trướcTuy nhiên, dù tiếp tục giành thắng lợi trong bầu cử nhưng ông Tsipras đã lần thứ hai để mất đa số và buộc phải liên minh với đảng Người Hy Lạp Độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc, có khuynh hướng giữ khoảng cách với châu Âu. Thực tế này báo hiệu nhiệm kỳ 4 năm phía trước sẽ không “trải toàn hoa hồng”.
Theo kết quả kiểm phiếu, tuy vẫn nhận được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử lần này (145 ghế) nhưng đảng Syriza đã mất 5 ghế so với đợt bầu cử hồi tháng 1/2015. Điều này diễn ra hai tháng sau khi 25 nghị sỹ cứng rắn của Syriza rời khỏi đảng, khiến ông Tsipras mất thế đa số trong Quốc hội. Các nghị sĩ này phản đối việc Thủ tướng chấp nhận các điều khoản yêu cầu cải cách để đổi lại gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (97 tỷ USD).
Thách thức đặt ra với ông Tsipras là thành lập một chính phủ liên minh để lãnh đạo đất nước. Đảng cánh hữu ANEL đã tuyên bố sẵn sàng thành lập liên minh với Syriza, nhờ vậy liên minh cầm quyền sẽ có 155 ghế, tuy nhiên đa số này quá mong manh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi đó, việc đảng “Bình minh mới” có xu hướng phát xít mới và bài ngoại trở thành đảng lớn thứ ba trong Quốc hội (với 7% phiếu ủng hộ) cũng đặt ra một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định xã hội của Hy Lạp.
Cả hai đảng lớn nhất Hy Lạp (đảng Syriza và đảng Dân chủ mới) đều thừa nhận rằng dù ai lên nắm quyền lãnh đạo cũng đều phải thực hiện các cam kết của gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế. Cách tốt nhất hiện nay là hình thành một liên minh cầm quyền mới.
Là nhà lãnh đạo cực tả đầu tiên lên nắm quyền tại một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), ông Tsipras cùng với chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 1/2015 đã gây chấn động khắp các chính trường châu Âu, và tiếp thêm sức mạnh cho các phong trào chống "thắt lưng buộc bụng" tại nhiều quốc gia khác trong Eurozone, nhất là Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông Tsipras đã gánh chịu không ít áp lực khi phải đàm phán với các chủ nợ quốc tế nhằm giữ cho nền kinh tế Hy Lạp đứng vững trước nguy cơ phá sản. Kết quả cuộc bầu cử ngày 20/9 cho thấy nhà lãnh đạo này thực sự đã trở nên thận trọng và khôn khéo hơn. Hy vọng với “liều thuốc tăng lực” mới mà nhân dân vừa trao, ông Tsipras và đảng Syriza sẽ đưa đất nước Hy Lạp sớm qua cơn bĩ cực.