Đơn cử là trường hợp của Djibouti. Năm 2001, Mỹ đã đến Djibouti thuê cơ sở làm địa điểm cho Bộ chỉ huy châu Phi của Lầu Năm Góc. Đến năm 2011, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài trong 70 năm qua, và địa điểm “chọn mặt gửi vàng” chính là Djibouti.
Trung Quốc sau đó cũng để mắt đến quốc gia châu Phi Djibouti, nơi là cửa ngõ ra phía Nam Biển Đỏ. Năm 2016, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ký kết với Djibouti thỏa thuận thành lập căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở hải ngoại.
Một cảng biển được thi công tại Djibouti với nguồn kinh phí vay từ Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc tại Djibouti không chỉ dừng ở đó. Trong vòng 2 năm, Trung Quốc đã cho Djibouti vay 1,4 tỉ USD, tương đương với hơn 75% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Djibouti. Phần lớn số tiền này được cấp bởi Ngân hàng Exim Trung Quốc.
Kết quả là nợ công của Djibouti đã lên mức 85% GDP, thuộc nhóm cao nhất trong những quốc gia thu nhập thấp. Với tốc độ nợ công tăng nhanh và chỉ tập trung vào “một đầu mối” cho vay, tình hình đang ở mức cảnh báo đối với Djibouti.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng động thái vay của Djibouti tiềm ẩn “rủi ro cao”. Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ mang tên Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã xếp Djibouti là trường hợp đáng chú ý nhất trong những quốc gia gặp nguy cơ khi các dự án trong kế hoạch của “Vành đai và Con đường” được thi hành.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá rằng trường hợp của Djibouti không phải là duy nhất. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phóng tay cho nhiều quốc gia không giàu có, nhưng có vị trí chiến lược, vay tiền.
CGD nêu danh 14 quốc gia có thể phải đối mặt với viễn cảnh “kiệt sức kinh tế”, tương tự như Djibouti. Maldives được coi là quốc gia có nhiều nguy cơ nhất với những dự án sân bay và cảng biển mới, được Trung Quốc cho vay 1,25 tỉ USD. Điều này dẫn tới nợ công của Maldives leo lên mức 75% GDP của quốc gia này, trong đó 70% là nợ Trung Quốc. Năm 2017, IMF cảnh báo rằng “nợ lớn” dẫn đến nguy cơ cao với “sức khỏe” của nền kinh tế Maldives.
Những quốc gia khác được CGD nhắc đến còn có Tajikistan, Kyrgyz và Mông Cổ. Còn có Pakistan vốn được Trung Quốc cho vay 50 triệu USD dành cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Cảng Hambantota tại Sri Lanka. Ảnh: AFP |
Lo ngại ở những khoản nợ này là các chính phủ địa phương sẽ phân bố tiền vay cho các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục hoặc vay thêm để trả lãi suất. Hậu quả là đà phát triển chậm lại, tỉ lệ lãi cao hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào "chủ nợ". Điều đó dẫn đến khủng hoảng nợ hoặc tái cấu trúc nợ. Được biết, Trung Quốc chưa ký tham gia Câu lạc bộ Paris các quốc gia cho vay quốc tế vốn có nhiều kinh nghiệm với tái cấu trúc nợ.
Thời gian qua đã có nhiều trường hợp khoản cho vay của Trung Quốc được thu về bằng hình thức khác. Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, năm 2011, Trung Quốc yêu cầu Tajikistan "gán nợ" hàng nghìn km vuông lãnh thổ để giải quyết phần nợ xấu. Điều này dẫn đến việc khoảng 1.000 km vuông đất của Tajikistan đã chuyển thành lãnh thổ Trung Quốc.
Năm 2017, Sri Lanka đã chấp thuận để Trung Quốc nắm giữ 70% cổ phần của cảng Hambantota trong 99 năm bất chấp người dân địa phương phản đối. Khởi nguồn câu chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi Sri Lanka khởi công cảng biển chiến lược Hambantota với hơn 300 triệu USD vay từ Trung Quốc nhưng đến nay Sri Lanka lại gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ.
Những trường hợp này dẫn đến quan ngại rằng liệu có phải mục đích Trung Quốc cho các quốc gia nằm trong dự án “Vành đai và Con đường” vay tiền là vì kinh tế của đất nước đó, hay bắt nguồn từ mục đích sâu sa nào khác.