Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Áo Hartwig Loger, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, cho biết các bên đã nhất trí rằng việc cải tổ là cần thiết. Tuy nhiên, chương trình cải tổ sẽ được tiến hành như thế nào trong dài hạn sẽ là vấn đề cần được các nước thành viên cùng nhau thảo luận kỹ hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh doanh Đan Mạch Rasmus Jarlov nhận định EU đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề chống rửa tiền những năm gần đây, tuy nhiên vẫn có nhiều việc cần phải làm để đẩy mạnh những nỗ lực này.
Trọng tâm của sáng kiến mới là việc tăng cường phạm vi quyền hạn cho Cơ quan Giám sát ngân hàng châu Âu (EBA), cơ quan phụ trách các ngân hàng của EU. Cơ quan thành lập năm 2010 và sẽ chuyển trụ sở từ London sang Paris trong năm tới này có thể sẽ được tăng nguồn kinh phí với mục tiêu nâng cao hiệu quả của công tác giám sát và chống nạn rửa tiền.
Giới chuyên gia nhận định đề xuất trên của EU là một bước đi đúng hướng, thay vì để các nước tự quản lý và có các hoạt động chống rửa tiền riêng rẽ như hiện nay.
Một số ý kiến chỉ trích cho rằng điều này khiến cho có sự chênh lệch giữa các thành viên, có nhiều nước hiện không đủ nhân lực và chuyên gia để đảm bảo hiệu quả trong chống nạn rửa tiền.
Trước đó, ngày 23/9, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã yêu cầu EBA mở cuộc điều tra nhằm vào ngân hàng lớn nhất Đan Mạch là Danske Bank sau khi ngân hàng này thông báo một phần lớn trong các giao dịch với tổng trị giá lên tới 200 tỷ euro được thực hiện tại chi nhánh của ngân hàng này ở Estonia đều thuộc diện "đáng nghi".
Trong số các tài khoản bị điều tra, có khoảng 6.200 tài khoản có dấu hiệu khả nghi và đều đã lọt vào tầm ngắm của giới chức.
Chính ngân hàng này cũng không thể chắc chắn lượng tiền phi pháp được giao dịch tại chi nhánh ở Estonia.