Trong một bản tin phát sóng vào ngày 1/9, CCTV cho biết vụ việc được phát hiện trong các nông trại trồng kỷ tử trải dài 14 thị trấn thuộc huyện Tĩnh Viễn, tỉnh Cam Túc. Một số trang trại ở Golmud, thành phố thuộc tỉnh Thanh Hải, cũng có hoạt động tương tự.
Ít nhất gần chục nông dân và đại lý nông trại đã công khai mô tả về cách các nông trại ngâm kỷ tử trong natri metabisulfit, một chất bị cấm trong ngành, và phun lưu huỳnh công nghiệp lên chúng để bảo quản vẻ ngoài.
"Những hạt kỷ tử được hun bằng lưu huỳnh có màu đỏ và đẹp. Với lưu huỳnh, bạn có thể bảo quản lâu hơn và sâu bệnh không phát triển. Độc tính của nó rất cao", một chủ đại lý nói với đài truyền hình.
Sau đó, CCTV đã phát sóng cảnh quay những người nông dân làm việc trong trang trại đang chuẩn bị các thùng natri metabisulfit đặc, sủi bọt để rửa kỷ tử. Natri metabisulfit đôi khi được sử dụng để bảo quản thực phẩm nhưng bị cấm trong ngành kỷ tử địa phương. Bên cạnh đó, một số nông trại cũng sẽ thêm bước hun khói kỷ tử bằng lưu huỳnh công nghiệp thay vì phơi khô cây trồng dưới ánh nắng Mặt Trời.
Video phỏng vấn những người làm việc trong nông trại kỷ tử ở Trung Quốc (nguồn: CCTV):
Kỷ tử rất phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc và các món ăn như lẩu. Đây cũng được quảng bá là siêu thực phẩm ở phương Tây. Theo số liệu báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) thu thập, vào năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 12.000 tấn kỷ tử, trong đó Việt Nam và HongKong là hai điểm đến nhập khẩu nhiều nhất.
"Những người buôn bán ở nơi khác đều không biết gì cả. Nó chỉ có vẻ ngoài đẹp thôi”, một lái buôn chia sẻ.
Mặc dù biết rõ tác hại của việc tiêu thụ kỷ tử bị nhiễm hóa chất nhưng các lái buôn cho biết việc phun hóa chất như này rất phổ biến.
"Nếu nhiễm lưu huỳnh, kỷ tử được bán với giá 17 đến 18 nhân dân tệ (NDT) một cân. Nếu không có, nó chỉ là 9-10 NDT/cân. Mức giá đó không có lợi nhuận tí nào", một người làm trong nông trại tiết lộ.
Một ngày sau khi vụ việc được phát giác, văn phòng Ủy ban An toàn Thực phẩm huyện Tĩnh Viễn thông báo rằng đã mở một cuộc điều tra về hoạt động sản xuất và kinh doanh quả kỷ tử tại địa phương.
"Những người chịu trách nhiệm vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật định", văn phòng này cho biết trong một tuyên bố.
Chính quyền thành phố Golmud đã đưa ra một tuyên bố tương tự vào ngày 2/9.
Vụ bê bối kỷ tử xảy ra chỉ hai tháng sau một vụ việc an toàn thực phẩm lớn khác gây chấn động cả nước. Vào đầu tháng 7, hãng thông tấn nhà nước Beijing News cho biết họ đã phát hiện nhiều trường hợp xe chở xăng chưa được vệ sinh sau mỗi lần sử dụng dùng để vận chuyển dầu ăn.
Trong nhiều thập kỷ, ngàng thực phẩm Trung Quốc luôn bị ảnh hưởng tiêu cực sau những vụ bê bối thực phẩm chân động, như sữa bột bị nhiễm bẩn và dầu cống được tái sử dụng trong các nhà hàng. Điều này cũng đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng trong nước vào các loại thực phẩm được bày bán thương mại.