Sau hai tuần làm việc căng thẳng, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP 16) ở Cancun (Mêhicô) đã kết thúc với một số thành công nhất định.
Tuy nhiên, các đại biểu của 193 quốc gia tham gia buộc phải để vấn đề quan trọng nhất liên quan đến giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto đến hội nghị năm sau ở Nam Phi.
Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn là một vấn đề gai góc tại Hội nghị COP 16. |
Trong bài phát biểu tại lễ bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon đã khẳng định COP 16 là một thành công lớn với việc thông qua được hai thỏa thuận.
Theo Tổng thống Calderon, kết quả đạt được tại COP 16 cho phép cộng đồng quốc tế bước vào giai đoạn mới trong hợp tác quốc tế, phá vỡ sự trì trệ lâu nay và làm thay đổi cách nhìn về năng lực tập thể. Phóng viên TTXVN từ Cancun cho biết, một trong số hai văn kiện được thông qua là Thỏa thuận Cancun, trong đó có việc thành lập "Quỹ Khí hậu Xanh".
Thỏa thuận này khẳng định lại cam kết tại Hội nghị Côpenhagen hồi năm ngoái, theo đó các nước có lượng khí thải lớn sẽ đóng góp tăng dần từ 30 tỷ USD/năm lên 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nước cũng nhất trí tăng cường một loạt các biện pháp bảo vệ rừng nhiệt đới và thiết lập một cơ chế theo đó các nước phát triển chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước nghèo hơn. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhất trí đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 2oC, như thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, thỏa thuận này không nói rõ Quỹ Khí hậu Xanh sẽ lấy nguồn tiền từ đâu.
Thỏa thuận thứ hai đạt được tại hội nghị là việc các quốc gia nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, các quốc gia đã cam kết tiếp tục nỗ lực tại hội nghị ở Nam Phi năm 2011, nhấn mạnh phải tăng thêm các nền kinh tế ít cácbon, tăng cường xây dựng lại lòng tin giữa các nước giàu và nước nghèo về vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa đặt được mục tiêu mới về cắt giảm khí cácbon cho các quốc gia công nghiệp - một vấn đề gai góc nhất của hội nghị.
Mặc dù kết quả còn hạn chế, nhưng cũng như tổng thống nước chủ nhà, nhiều lãnh đạo vẫn coi hội nghị là một bước tiến, một hi vọng mới cho các hội nghị tiếp theo. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, ông Jairam Ramesh, nhận định, điều quan trọng nhất sau hội nghị là quá trình thương lượng đa phương đã được “uống thêm một liều thuốc bổ", nếu không hội nghị có thể đã thất bại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng hội nghị đã thành công và góp phần thúc đẩy thế giới đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhận xét quá trình đàm phán đã đạt được thành công quan trọng.
Ông Xie Zhenhua, nhà đàm phán về khí hậu hàng đầu của Trung Quốc, cho rằng các thỏa thuận đạt được trong hội nghị ở Cancun đã cứu tiến trình thương lượng và cho thấy Nghị định thư Kyoto vẫn còn sống. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận, đàm phán về những nội dung quan trọng tại Nam Phi năm sau.
Bà Christiana Figueres, quan chức cấp cao về vấn đề khí hậu của Liên hợp quốc, nhận định, các thỏa thuận tại Cancun sẽ giúp các nước đi đúng hướng hơn, đồng thời khẳng định "Hội nghị ở Cancun đã hoàn thành nhiệm vụ".
Ông Connie Hedegaard, quan chức hàng đầu về khí hậu của Liên minh châu Âu, chia sẻ nhận định trên; tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: "Chúng ta cần ý thức rằng vẫn còn một chặng đường dài và thử thách phía trước để đạt được một khuôn khổ ràng buộc về mặt pháp lý".
Việt Hòa (P/v TTXVN tại Mêhicô) - Thùy Dương