Sau hai ngày nhóm họp trong bối cảnh có sự đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình, Hội nghị thượng đỉnh 28 nước khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bế mạc chiều 21/5 tại thành phố Chicago, bang Illinois của Mỹ.
Hội nghị bế mạc với lới cam kết ủng hộ lộ trình rút quân ra khỏi Ápganixtan vào cuối năm 2014, nhưng vẫn bỏ ngỏ nhiều câu hỏi về sự dính líu tiếp tục cũng như viễn cảnh an ninh và chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này.
Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông cáo chung kết thúc hội nghị khẳng định, các lực lượng do NATO đứng đầu tại Ápganixtan sẽ chuyển giao tất cả các sứ mệnh tác chiến cho các lực lượng của Ápganixtan vào giữa năm 2013 và kế hoạch rút phần lớn trong hơn 130.000 binh lính nước ngoài ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này vào cuối năm 2014 là “không thể đảo ngược”. Đây là lần đầu tiên, NATO công bố lộ trình về thời gian cụ thể cho việc chuyển giao các nhiệm vụ chiến đấu cho các lực lượng của Ápganixtan. Phát biểu trong phiên họp bế mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama cam kết nước Mỹ và các đồng minh NATO sẽ kết thúc “một cách có trách nhiệm” đối với cuộc chiến kéo dài hơn 11 năm qua tại Ápganixtan. Ông Obama xác định bảo đảm ổn định tại Ápganixtan là một sứ mệnh sống còn. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết sau hai năm rưỡi nữa khi kết thúc việc rút quân, các đồng minh NATO sẽ tiếp tục đóng góp phần trách nhiệm của mình trong khoản ngân sách 4,1 tỷ USD mỗi năm để chi giúp các lực lượng quân đội và cảnh sát của Ápganixtan đủ sức tự bảo đảm an ninh, trong bối cảnh các tay súng của lực lượng Taliban vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Thông cáo chung cũng cho biết, sau năm 2014, Mỹ và NATO vẫn sẽ duy trì một lực lượng quân sự, thậm chí một số đơn vị tác chiến đặc biệt, để giúp huấn luyện và hỗ trợ cho các lực lượng của Ápganixtan trong các tình huống đặc biệt.
Tuy nhiên, như một hình thức gián tiếp chỉ trích quyết định của Pakixtan đóng cửa các tuyến đường vận tải trên bộ để chuyển vũ khí và hậu cần vào Ápganixtan, Tổng thống Obama đã bày tỏ hoan nghênh việc Nga và một số nước Trung Á đã có những hợp tác quan trọng trong lĩnh vực này. Cách đây 6 tháng, sau vụ máy bay Mỹ không kích nhầm làm 24 lính Pakixtan bị thiệt mạng, quan hệ giữa quốc gia Tây Nam Á này với Mỹ đã trở nên căng thẳng với việc chính phủ Pakixtan quyết định cấm NATO sử dụng lãnh thổ của họ để vận chuyển vũ khí và hậu cần vào Ápganixtan. Một câu hỏi lớn vẫn chưa có câu trả lời tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là về vai trò của lực lượng Taliban trong thể chế chính trị tương lai của Ápganixtan cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn quốc gia Tây Nam Á này lại rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, thậm chí nội chiến một khi binh lính Mỹ và NATO đã rút đi. Bất chấp đề nghị của Tổng thống nước chủ nhà Obama, đến nay mới chỉ có một vài nước có cam kết đóng góp tài chính cụ thể cho quỹ hỗ trợ Ápganixtan sau năm 2014, trong đó Anh và Ôxtrâylia mỗi nước 100 triệu USD, Italia 120 triệu USD, Canađa 110 triệu và Thổ Nhĩ Kỳ và Pakixtan mỗi nước 20 triệu, còn thấp hơn nhiều so với 1,3 tỷ USD mỗi năm mà Mỹ đề xuất. Để đổi lấy việc rút quân trong năm nay, không đúng theo lịch trình của Mỹ, một số quan chức ngoại giao NATO cho biết Mỹ đã đề nghị tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đóng góp mỗi năm khoảng 256 triệu USD.
Các nguồn tin cảnh sát Chicago cho biết, suốt cả tuần qua, trước và trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO, hàng nghìn người thuộc các tổ chức khác nhau đã biểu tình rầm rộ trên các đường phố xung quanh khu hội nghị. Ngày 20/5 khi NATO khai mạc hội nghị ở bên ngoài đã xảy ra đụng độ khá dữ dội, khiến 7 cảnh sát bị thương và hàng chục người biểu tình đã bị cảnh sát dùng dùi cui đánh đập và tổng cộng đã có hơn 100 người bị bắt giữ. Một số hình ảnh trên truyền hình CNN còn ghi nhận một chiếc xe của cảnh sát đã cố tình lao thẳng vào đoàn người biểu tình, những người hô vang khẩu hiệu cáo buộc binh lính của NATO đi tới đâu là ở đó có bạo lực và chết chóc. Người biểu tình cũng đã bao vây khu tổng hành dinh của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing, cáo buộc vai trò của tập đoàn này với tư cách là một nhà thầu quốc phòng.
Thái Hùng