Phát biểu bế mạc Phiên Thảo luận chung diễn ra dưới hình thức trực tuyến, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 Volkan Bozkir cho biết, trong các bài phát biểu gửi tới phiên thảo luận, đa số các lãnh đạo thế giới đã khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và LHQ. Theo ông, nhiều nhà lãnh đạo đã công nhận rằng chủ nghĩa đa phương là hệ thống hiệu quả nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Bozkir cho biết các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các bộ trưởng đã đề ra một chương trình nghị sự hoàn chỉnh, không chỉ hỗ trợ các ưu tiên mà ông đặt ra, mà còn cung cấp hướng dẫn cụ thể về các bước đi cần thiết để vượt qua những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng các giải pháp chỉ có thể đến từ các hành động đa phương, với LHQ là trung tâm.
Phiên Thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ diễn ra trong một tuần từ ngày 22/9 đến 29/9, với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương - ứng phó với COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi tới hội nghị, trong đó nhấn mạnh cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực phải được tôn trọng và phát huy. Trên tinh thần đó, các nước cần một LHQ cho tương lai phải thực sự là tổ chức gắn kết, ở đó mỗi thành viên, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, được đóng góp tiếng nói về những vấn đề cùng quan tâm, và cũng là "vườn ươm" cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới. LHQ cần được tiếp tục cải tổ để trở thành một tổ chức mạnh mẽ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò điều hòa lợi ích, ứng xử của các nước trước những biến chuyển to lớn của thời đại.
Cũng trong thông điệp của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc, thúc giục các nước cam kết và chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn. Chương trình nghị sự 2030 cần tiếp tục là khuôn khổ để các nước vừa hợp tác vượt qua đại dịch, vừa phục hồi bền vững, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, để bảo đảm không một người dân, không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Các nước đang phát triển cần được tạo điều kiện và hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.