Bế tắc chính trị ở Ai Cập được khai thông

Ngày 25/8, Đảng Salafist Nour - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập và là nhóm Hồi giáo duy nhất công khai ủng hộ việc phế truất Tổng thống Mohamed Morsi - tuyên bố sẽ tham gia Ủy ban sửa đổi hiến pháp.

Quyết định này là một động thái đáng chú ý giúp khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay ở Ai Cập và tiếp tục lộ trình chuyển tiếp do quân đội vạch ra hôm 3/7, trong đó bao gồm sửa đổi bản Hiến pháp năm 2012 hiện đang bị đình chỉ, tổ chức bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống.

Biểu tình ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Cairo ngày 16/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong một tuyên bố, đảng này cho biết một trong những mục đích tham gia ủy ban này - với thành phần gồm 50 người đại diện cho tất cả các thành phần xã hội - là nhằm "bảo vệ bản sắc Hồi giáo". Trước đó, Salafist Nour từng nhiều lần đe dọa rút khỏi lộ trình nói trên sau khi một số điều khoản liên quan đến Luật Hồi giáo Sharia bị kiến nghị hủy bỏ.

Cũng trong ngày 25/8, Ủy ban pháp lý gồm 10 thẩm phán và giáo sư luật đến từ các trường đại học Ai Cập đã đệ trình dự thảo hiến pháp sửa đổi lên Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour, trước khi chuyển cho ủy ban 50 thành viên nói trên để xem xét. Bản Hiến pháp năm 2012 của Ai Cập được một hội đồng lập pháp do phe Hồi giáo chi phối soạn thảo và được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào tháng 12/2012 bất chấp sự tẩy chay và phản đối kịch liệt của các lực lượng tự do, cánh tả và phi Hồi giáo.

Cùng ngày, ông Ahmed El-Meslemani, Cố vấn truyền thông của Tổng thống lâm thời Ai Cập, khẳng định quốc gia Bắc Phi này đã vượt qua "âm mưu" lật đổ nhà nước và hiện đang tiến hành chiến dịch chống lại các phần tử quá khích trong tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và các lực lượng Hồi giáo đồng minh.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Dinh tổng thống Ittihadiya chiều 25/8, ông Meslemani khẳng định: "Chúng tôi đã phải đối mặt với một âm mưu chống lại nhà nước song chúng tôi đã vượt qua. Vào lúc này, chúng tôi đã sẵn sàng bắt tay vào xây dựng tương lai cho một quốc gia hiện đại". Cố vấn truyền thông của Tổng thống lâm thời Ai Cập cho biết đang có các cuộc tiếp xúc và thảo luận với các lực lượng chính trị trong nước, trong đó có Đảng Salafist Nour, đồng thời khẳng định lộ trình chính trị chuyển tiếp do quân đội hiện đang đi đúng hướng.

Trong một diễn biến khác, Nghiệp đoàn Du lịch Ai Cập đã kêu gọi các công ty lữ hành trong nước sử dụng các dịch vụ của các hãng hàng không vùng Vịnh như Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait, đồng thời tẩy chay các hãng hàng không của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ do chính quyền các nước này từ chối công nhận cuộc "cách mạng" ngày 30/6 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi, cũng như có các hành động "can thiệp vào công việc nội bộ" của quốc gia Bắc Phi này. Người phát ngôn Bộ Du lịch Ai Cập Rasha El-Azayzi cũng cho biết các động thái này đã được tính đến trong bối cảnh quan hệ căng thẳng hiện nay.


TTXVN/Tin tức
Ai Cập rút ngắn giờ giới nghiêm
Ai Cập rút ngắn giờ giới nghiêm

Nội các Ai Cập đã quyết định rút ngắn giờ giới nghiêm vào ban đêm, theo đó lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 21 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 19 giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN