Cùng ngày, giới chức địa phương tại nhiều khu vực của Italy đã kêu gọi Đức thể hiện tình đoàn kết với Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Trong lá thư đăng trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, Thị trưởng của các thành phố ở miền Bắc Italy, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, đã kêu gọi Đức đưa ra quyết định đúng đắn, giống như thỏa thuận giảm nợ cho Đức vào năm 1953 giúp quốc gia này phục hồi sau chiến tranh. Lá thư cũng nhấn mạnh rằng biện pháp phát hành trái phiếu chung do một số nước đề xuất sẽ không đồng nghĩa với xóa đi các khoản nợ cũ của các nước thành viên.
Italy hiện ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với 11.591 ca tính đến ngày 30/3, chiếm 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu. Số ca nhiễm tại Italy hiện đã vượt quá 100.000 người. Tuần trước, 9 quốc gia của EU trong đó có Italy, Pháp và Tây Ban Nha đã kêu gọi phát hành trái phiếu chung nhằm có đủ tài chính để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, trong bối cảnh COVID-19 được dự báo sẽ đẩy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, Đức, Hà Lan, Phần Lan và Áo đã phản đối đề xuất này.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẵn sàng đoàn kết với châu Âu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, song nhấn mạnh bất kỳ biện pháp nào trên quy mô toàn EU cũng đều phải thực hiện một cách thận trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng. Ông cũng đề xuất các nguồn lực từ ngân sách EU có thể được kết nối với hệ thống y tế hoặc những nền kinh tế của các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuyên bố của ông Scholz được đưa ra một tuần trước khi các Bộ trưởng tài chính của 19 nước thuộc Eurozone tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm thống nhất biện pháp ứng phó về kinh tế để giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.
Tại Đức, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thành phố Jena tại miền Đông Đức đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi mua sắm hoặc di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Đây là thành phố đầu tiên của Đức áp dụng biện pháp như vậy. Về khả năng chính phủ có áp dụng biện pháp này trên toàn quốc, Bộ trưởng Tài chính Scholz nhấn mạnh khẩu trang tại Đức sẽ chỉ được dành cho những nhân viên quan trọng, như những người làm trong ngành y tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer lại không loại trừ khả năng ra quy định buộc người dân phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các biện pháp hiện nay cần có thêm thời gian để đạt được hiệu quả thay vì liên tiếp đưa ra đề xuất mới.
Trong một diễn biến khác, Thư ký Bộ Tài chính Đức Werner Gatzer nêu rõ trong bối cảnh còn nhiều rủi ro liên quan đến tình hình dịch bệnh, Chính phủ Đức đã quyết định hủy kế hoạch thông qua ngân sách ban đầu. Theo kế hoạch cũ, dự thảo ngân sách cho năm 2021 sẽ được hoàn tất để để chính phủ thông qua vào ngày 17/6 tới.