“Chủ đề này được đưa ra thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Ba Lan yêu cầu Mỹ mang vũ khí hạt nhân tới Ba Lan", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiết lộ trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc khánh ở thủ đô Minsk ngày 3/7.
Tổng thống Lukashenko cho rằng việc ông thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân không phải là một “lời đe dọa tống tiền hạt nhân”. Nhà lãnh đạo cho rằng Minsk cần năng lực phản ứng “trong vòng 24 giờ” trước các hành động thù địch tiềm tàng.
“Để làm được điều này, chúng ta cần chuẩn bị. Và chúng ta sẽ chuẩn bị. Chúng ta không đe dọa bất cứ ai, chúng ta không tống tiền bất cứ ai”, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh.
Ngày 25/6, Tổng thống Lukashenko đã đề nghị người đồng cấp Nga Vladimir Putin giúp Belarus “nâng cấp các máy bay Su-35 để có thể mang vũ khí hạt nhân".
Đáp lại yêu cầu từ Belarus, Tổng thống Putin đã “bật đèn xanh” cho việc hiện đại hóa các máy bay và cũng cam kết rằng trong vài tháng tới, Nga sẽ điều động hệ thống tên lửa chiến lược Iskander-M có thể sử dụng cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đến Belarus.
Tuy nhiên, sau đó người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng không có cuộc thảo luận nào về chuyển giao tên lửa mang vũ khí hạt nhân cho Belarus.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Lukashenko đã nhắc lại rằng trong quá khứ, Belarus đã chuyển kho vũ khí hạt nhân của mình cho Nga và do đó ông có quyền yêu cầu vũ khí từ Moskva để đảm bảo biên giới Belarus được bảo vệ thích hợp.
Hồi đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói rằng nếu Mỹ yêu cầu quốc gia Đông Âu này lưu trữ vũ khí hạt nhân, Warsaw “sẵn sàng đón nhận”. “Điều này sẽ làm tăng đáng kể khả năng răn đe trước Moskva”, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói.
Về phía mình, người phát ngôn Dmitry Peskov cho rằng đường lối của giới lãnh đạo Ba Lan gây ra "mối quan ngại sâu sắc".