Theo báo “Độc lập” (Nga), tại Moskva đã diễn ra các cuộc đàm phán về việc Belarus tăng cung cấp thực phẩm vào thị trường Nga trong điều kiện Moskva cấm nhập khẩu nông sản từ Liên minh Châu Âu (EU).
Quầy bán hoa quả tại Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phó Thủ tướng Chính phủ Belarus Mikhail Rusyi và Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Arkadi Dvorkovic đã có buổi làm việc với các ban ngành hữu quan của hai nước để thảo luận biện pháp ngăn chặn không để thực phẩm có xuất xứ từ các nước bị Nga cấm nhập tràn vào thị trường các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, từ đó thâm nhập vào Nga.
Được biết, Bộ Kinh tế, Cơ quan giám sát chất lượng nông sản, Cơ quan Liên bang giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã được huy động vào cuộc nhằm xem xét lại cán cân cung cấp thực phẩm vào Nga trong điều kiện thiếu hụt nguồn cung. Các cơ quan chức năng hai nước Nga và Belarus cũng đang gấp rút xác định cơ chế thương mại mới giữa hai nước vì cho đến nay Nga vẫn chủ trương giảm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm từ Belarus để bảo vệ người sản xuất nội địa. Trong bối cảnh hiện nay, Nga có thể phải nới lỏng hạn ngạch này để mở rộng nguồn cung và như vậy, giấc mơ của các nhà sản xuất Belarus có thể trở thành hiện thực.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp Belarus, các nhà xuất khẩu nước này có cơ hội tăng xuất khẩu sang Nga khoảng 2 triệu tấn sữa và 150.000 tấn thịt các loại, tương đương 200 và 400 triệu USD. Trước thông tin này, hiệp hội các nhà sản xuất nông sản đã nhanh chóng bàn thảo kế hoạch mở rộng sản xuất hoặc tái cơ cấu nguồn xuất khẩu sang các thị trường hiện có mức giá thấp xuất sang Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế hoài nghi khả năng này bởi ngay cả khi Nga chưa cấm nhập khẩu từ một số nước EU thì Belarus đã xuất khẩu sang Nga tới 90% tổng nguồn cung thực phẩm ra bên ngoài. Bên cạnh đó, một nhân tố quan trọng nữa là thời gian gần đây tổng sản lượng nông nghiệp của Belarus có xu hướng giảm. Vì vậy, Belarus không thể trong ngày một ngày hai kiếm ra đủ số nguồn cung để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt trên thị trường Nga.
Trong khi đó, có luồng dư luận hoài nghi khả năng Belarus sẽ nhập khẩu thịt và sữa nguyên liệu từ châu Âu rồi tái xuất sang Nga dưới hình thức “đội lốt” thành phẩm của Belarus. Hoài nghi này là có cơ sở bởi trong phiên họp với chính phủ ngày 12/8, Tổng thống Lukashenko mặc dù tuyên bố sẽ làm hết khả năng để ngăn không cho hàng hóa từ các nước bị Nga cấm nhập đi qua thị trường Belarus để tiếp cận thị trường Nga, song ông cũng nhấn mạnh điều này không có nghĩa là Belarus phải đoàn kết với Nga trong việc trừng phạt EU.
Cũng theo lời ông Lukashenko, quan hệ thương mại giữa Belarus và các nước đối tác bên ngoài là công việc nội bộ của nước này và sẽ được điều chỉnh tuỳ theo nhu cầu của thị trường Belarus chứ không phải bởi sự chỉ đạo từ Moskva. Điều này đồng nghĩa với việc Belarus sẽ tiếp tục nhập từ châu Âu các sản phẩm mà nước này thấy cần thiết, còn việc nguồn nhập khẩu này có bị tái xuất sang Nga hay không lại là một vấn đề khác.
Một số chuyên gia có cái nhìn cực đoan hơn thậm chí còn cho rằng Belarus có thể lợi dụng tình huống đục nước béo cò để tăng xuất khẩu sang Nga bằng cách tái xuất hàng hoá châu Âu sau khi dán lại tem mác và xuất xứ hàng hoá. Giả thuyết này đã được thực tế chứng minh khi mới đây Belarus từng xuất khẩu dầu thô của Nga ra bên ngoài dưới dạng dung môi để tránh thuế. Vì vậy, nếu các hoài nghi trên là có thật thì việc Nga áp dụng các biện pháp trả đũa chỉ là một liệu pháp tâm lý chứ không gây được thiệt hại kinh tế đối với EU.