Bêlarút và EU xung đột ngoại giao gay gắt

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Bêlarút và Liên minh châu Âu (EU) âm ỉ kéo dài suốt 5 năm qua đã biến thành xung đột ngoại giao gay gắt sau khi ngày 28/2, Bêlarút quyết định triệu hồi Đại sứ tại EU và Ba Lan để tham vấn, đồng thời yêu cầu Đại sứ Ba Lan và EU tại Bêlarút về nước, để phản đối gói biện pháp trừng phạt mới mà EU áp đặt chống nước này. Để trả đũa, ngay lập tức EU cũng quyết định triệu hồi tất cả đại sứ của 27 nước thành viên tại Bêlarút để tham vấn.

Trong một thông báo ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Bêlarút nêu rõ để đáp trả việc EU áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới chống Bêlarút, Minxcơ quyết định triệu hồi Đại sứ tại Ba Lan và Đại diện thường trực Bêlarút tại EU để tham vấn, đồng thời yêu cầu Đại sứ Ba Lan và Trưởng phái đoàn EU tại Bêlarút về nước để thông báo cho lãnh đạo của mình về lập trường cứng rắn của Minxcơ đối với việc Brúcxen gây áp lực và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Bêlarút. Thông báo nêu rõ nếu EU tiếp tục gây áp lực đối với Bêlarút, nước này sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình.

Đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề Đối ngoại và Chính sách An ninh của EU, bà Catherine Ashton. Ảnh: AFP/TTXVN.

Ngay sau đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết bà đã triệu tập cuộc họp đại diện thường trực các nước EU tại Brúcxen để phối hợp biện pháp đáp trả Bêlarút. Bà Ashton tuyên bố để biểu thị "tình đoàn kết và thống nhất", 27 nước thành viên EU đã nhất trí triệu hồi đại sứ tại Bêlarút để tham vấn. Ngoài ra, đại sứ Bêlarút tại tất cả các nước thành viên EU cũng sẽ được triệu tập tới bộ ngoại giao nước sở tại để tham vấn.

Bình luận về sự kiện trên, cùng ngày, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Oasinhtơn rất lấy làm tiếc trước quyết định của Chính phủ Bêlarút yêu cầu Trưởng phái đoàn EU và Đại sứ Ba Lan tại Bêlarút về nước tham vấn, đồng thời triệu hồi đại sứ Bêlarút tại EU và Ba Lan. Theo ông Toner, những hành động này, cũng tương tự như quyết định trục xuất đại sứ Mỹ tại Bêlarút hồi năm 2008 và đóng của Văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Minxcơ tháng 3/2011, chỉ khiến Bêlarút tự cô lập hơn nữa.

Trước đó, ngày 27/2, EU đã đưa thêm 19 thẩm ván và 2 đại diện giới lãnh đạo các cơ cấu sức mạnh của Bêlarút vào "danh sách đen" cấm nhập cảnh vào lãnh thổ các nước EU, đồng thời tài khoản của những người trong danh sách này mở tại ngân hàng của các nước thành viên EU cũng bị phong tỏa. Hiện hơn 230 quan chức cấp cao Bêlarút, trong đó có Tổng thống Alexander Lukashenko, có tên trong bản "danh sách đen" này.


TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN