Trong khi công việc nghiên cứu vaccine đang tiến hành thì ngoài cơ sở này các phương tiện xây dựng vẫn xúc, đào đất. Nhà máy sản xuất rộng 20.000 mét vuông này được xây dựng từ vài tháng gần đây với nhiệm vụ chuyên biệt về sản xuất vaccine phòng COVID-19 do công ty Trung Quốc Sinovac Biotech sản xuất. Kênh CNN (Mỹ) cho biết vaccine tiềm năng hiện nay của Sinovac có tên CoronaVac.
Các nhà khoa học toàn cầu đang chạy đua để tìm được một phương thức ngăn chặn virus Cornona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19 vốn đã lây nhiễm cho 23 triệu người và cướp đi mạng sống của 800.000 người. Đã có 6 loại vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 – bước cuối cùng để xác định mức hiệu quả và an toàn trước khi được phê chuẩn sản xuất hàng loạt. Trong đó có 3 loại vaccine của Trung Quốc.
Việc thử nghiệm CoronaVac đã được tiến hành tại Brazil và Indonesia với 11.000 tình nguyện viên. Giám đốc quan hệ đầu tư tại Sinovac – bà Helen Yang chia sẻ: “Nếu mọi việc thuận lợi, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể đạt kết quả vào cuối năm”.
Sinovac đã phát triển vaccine từ cuối tháng 1, khoảng một tuần sau khi Vũ Hán phong tỏa. Tiếp đó, nhà máy sản xuất vaccine được khởi công xây dựng từ tháng 3. Bà Yang cho biết một khi Cục Quản lý sản phẩm y tế Quốc gia Trung Quốc phê chuẩn vaccine thì nhà máy của Sinovac có thể sản xuất được 300 triệu liều/năm.
CaronaVac được phát triển dựa trên phương pháp vô hiệu virus sau đó đưa vào cơ thể người nhằm hình thành kháng thể. Virus được nuôi kiểm soát và vô hiệu bằng hóa học vì vậy không gây bệnh khi tiêm vào cơ thể người.
Trong khi đó Mỹ đang theo con đường thử nghiệm vaccine phát triển dựa trên chất liệu gen của virus. Loại vaccine này có thể được sản xuất nhanh hơn.
Vào tháng 5, Sinovac đăng lên tạp chí Science kết quả thử nghiệm trên động vật cho thấy chuột đã hình thành kháng thể. Một tháng sau, công ty này bước vào giai đoạn 2 với 600 tình nguyện viên và nhận được kết quả những người tham gia đã hình thành kháng thể sau 14 ngày được tiêm.
Giai đoạn thử nghiệm 3 sẽ phải thực hiện trên quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia. Sinovac đã đạt thỏa thuận với Viện Butantan (Brazil) thực hiện giai đoạn thử nghiệm 3 vào cuối tháng 7 với 9.000 tình nguyện viên. Đổi lại, Brazil sẽ được đảm bảo 120 triệu liều nếu vaccine được chứng minh an toàn và hiệu quả.
Trong tháng 8 này, Sinovac cũng tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 tại Indonesia với 1.620 tình nguyện viên. Doanh nghiệp nhà nước Bio Farma (Indonesia) ngày 21/8 cho biết đã ký thỏa thuận sơ bộ với Sinovac mua 50 triệu liều vaccine từ tháng 11/2020-3/2021.
Hai vaccine khác của Trung Quốc bước vào giai đoạn thử nghiệm 3 do doanh nghiệp nhà nước Sinopharm phát triển. Đại học Oxford (Anh) cũng phối hợp với công ty AstraZeneca đưa vaccine vào giai đoạn thử nghiệm 3. Hai đơn vị của Mỹ là Moderna và Pfizer cũng sở hữu vaccine trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Ngày 23/8, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) – ông Zheng Zhongwei xác nhận với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng chính phủ đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 vốn trong giai đoạn thử nghiệm. Vaccine phòng COVID-19 ở giai đoạn thử nghiệm này đã được tiêm cho nhóm lao động đặc thù bao gồm nhân viên y tế và lực lượng biên phòng từ tháng 7.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8 tuyên bố nước này phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 sau gần 2 tháng thử nghiệm trên cơ thể người. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin khẳng định vaccine do Viện Gamaleya sản xuất này an toàn. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng vaccine phòng COVID-19 Sputnik V sẽ sớm được sản xuất hàng loạt.