Ông Shaun Rein tại Nhóm Phát triển Thị trường Trung Quốc cho biết: “Người tiêu dùng muốn được biết các sản phẩm có nguồn gốc từ đâu”. Do vậy, ông Rein cho rằng dịch vụ giúp các công ty giảm nhẹ rủi ro từ thực phẩm giả là “cơ hội kinh doanh lớn” không chỉ trong thị trường Trung Quốc và trên toàn thế giới bởi thực phẩm từ các công ty tại Trung Quốc đang thuộc chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Theo ông John Spink tại Đại học Michigan, gian lận thực phẩm đang gây thiệt hại 40 tỉ USD hàng năm đối với công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Một khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành trong năm 2016 cho kết quả 40% người Trung Quốc được hỏi nhận định rằng an toàn thực phẩm là “vấn đề rất lớn”, trong khi năm 2008 con số này là 12%.
Một số công ty thực phẩm lớn nhất đang ủng hộ công nghệ có tên gọi chuỗi khối, là sổ cái mật mã an toàn, được chia sẻ của các giao dịch.
Các siêu thị Wal-Mart là một trong những cơ sở đầu tiên góp mặt, và vừa hoàn thành thử nghiệm công nghệ chuỗi khối để lần dấu nguồn gốc thịt lợn ở Trung Quốc. Thời gian để kiểm tra nguồn thịt cung ứng cho 400 cửa hàng của Wal-Mart tại Trung Quốc đã giảm từ 26 giờ đồng hồ trong quá khứ xuống còn chỉ vài giây nhờ công nghệ chuỗi khối.
Tập đoàn Alibaba, đơn vị kinh doanh chiếm 75% thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, cũng nhận ra tiềm năng của công nghệ chuỗi khối và dự định áp dụng công nghệ này với các nhà cung cấp thực phẩm ở Australia và New Zealand.
Giám đốc Viện Môi trường Thành thị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ông Yongguan Zhu khẳng định: “Đây không phải là vấn đề của chỉ riêng Trung Quốc mà là toàn cầu. Điều chúng ta cần phải làm là gia cố các quy định để cải thiện tính thông suốt của chính quyền, đơn cử như việc chia sẻ thông tin”. Ông Zhu cũng khẳng định công nghệ chuỗi khối có thể đóng vai trò quan trọng trong cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Rượu giả được kiểm tra tại Sở công nghiệp và thương mại Bắc Kinh năm 2007. Ảnh: AFP |
Năm 2015, Trung Quốc tăng cường luật an toàn thực phẩm để xử lý bê bối. Những kẻ vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt nặng hơn, có thể phải bóc lịch trong tù. Theo báo cáo trong tháng 4 vừa qua của viện Paulson tại Mỹ, Trung Quốc đã chi hơn 800 triệu USD để thuê nhân viên an toàn thực phẩm và dựng các cơ sở giám sát.
Ông Yongning Wu tại Trung tâm Quốc gia về Đánh giá Nguy cơ an toàn thực phẩm Trung Quốc nhận định: “Chúng ta chỉ có thể phát triển công nghệ để phát hiện gian lận thực phẩm. Tuy nhiên, những kẻ làm thực phẩm bẩn cũng luôn cập nhật công nghệ thường xuyên để qua mặt các nhà giám sát”.
Điều này đang khiến ông Weinberg giảm bớt hy vọng với công nghệ chuỗi khối. Inscatech hiện chủ yếu sử dụng thông tin cơ sở để phát hiện địa điểm chế biến thực phẩm bẩn và hầu hết các công việc tại Trung Quốc đều liên quan quan tới những công ty phương Tây sản xuất hoặc khai thác nguồn sản phẩm tại đây.
Ông Weinberg cho biết vấn đề nằm ở chỗ dữ liệu chỉ chắc chắn khi người cung cấp đáng tin. Điều này đồng nghĩa với việc công nghệ chuỗi khối sẽ chỉ phát huy tác dụng khi mọi dữ liệu gần như là chính xác.
Bloomberg trong năm 2016 đã tiến hành điều tra về thương mại tôm toàn cầu và phát hiện ra các tàu liệu không đáng tin đã tạo lỗ hỏng cho kế hoạch chuyển hàng hóa qua tàu thủy trái phép, liên quan đến những nhà xuất khẩu thủy sản Trung Quốc.
Ông Michael Ellis, cựu nhân viên tại Interpol, nhận định rằng thách thức hiện nay với Trung Quốc-công xưởng thế giới - là quy mô quá lớn về diện tích, dân số, chính quyền nhiều cấp và sự bất chấp của những kẻ phạm tội để kiếm tiền. Khi làm việc tại Interpol, ông Ellis đã tham gia chiến dịch “Opson” tịch thu được hơn 10.000 tấn và 1 triệu lít thực phẩm và đồ uống giả tại hơn 50 quốc gia.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc hiện chưa hồi đáp câu hỏi từ Bloomberg liên quan tới nạn giả mạo thực phẩm tại nước này.