Trong nhiều năm, các quan chức y tế toàn cầu đã sử dụng hàng tỷ giọt vaccine đường uống trong chiến dịch nhằm xóa sổ bệnh bại liệt ở những quốc gia nghèo, bất ổn về chính trị. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện chính loại vaccine này là nguyên nhân gián tiếp gây ra các ca bại liệt mới tại các thành phố lớn như New York, London và Jerusalem.
Đây không phải lần đầu các nhà khoa học biết về hiện tượng cực kỳ hiếm gặp này. Đó là lý do tại sao một số quốc gia đã chuyển sang sử dụng các loại vaccine bại liệt ở dạng tiêm.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ năm 2017, thế giới ghi nhận 396 ca bại liệt do virus tự nhiên gây ra, trong khi số ca mắc liên quan đến vaccine là hơn 2.600 trường hợp.
Scott Barrett, Giáo sư Đại học Columbia chuyên nghiên cứu về bệnh bại liệt, cho biết: “Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến sự thay thế chủng virus tự nhiên bằng virus có trong vaccine, dẫn đến những đợt bùng phát mới như hiên nay. Tôi cho rằng các quốc gia như Anh và Mỹ có thể chấm dứt sự lây lan khá nhanh, nhưng chúng tôi cũng nghĩ đến nguy cơ đối với bệnh đậu mùa khỉ”.
Đầu năm nay, các quan chức ở Israel đã phát hiện ra ca bệnh bại liệt ở một đứa trẻ 3 tuổi chưa được tiêm phòng. Một số trẻ em khác, gần như tất cả đều chưa được chủng ngừa, được phát hiện nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Hồi tháng 6, các nhà chức trách Anh cho biết đã tìm thấy bằng chứng virus gây bệnh bại liệt trong nước thải, mặc dù nước này chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm nào ở người. Tuần trước, chính phủ Anh cho biết tất cả trẻ em ở London từ 1 đến 9 tuổi sẽ được tiêm nhắc lại.
Tại Mỹ, một thanh niên chưa được tiêm phòng lúc nhỏ đã bị liệt chân sau khi nhiễm virus hồi tháng trước. Virus này cũng đã xuất hiện trong phần nước thải ở New York, báo hiệu virus đang lây lan. Tuy nhiên, giới chức y tế cho hay không lên kế hoạch triển khai một chiến dịch tiêm chủng tăng cường vì họ tin rằng tỷ lệ tiêm chủng cao của bang này đã đủ để có một hàng rào bảo vệ chắc chắn.
Các báo cáo phân tích di truyền thể hiện virus phát hiện ở 3 quốc gia trên đều có nguồn gốc từ vaccine. Điều đó có nghĩa chúng là phiên bản đột biến của virus có trong vaccine dạng uống.
Vaccine ngừa bại liệt đường uống được sử dụng từ năm 1988 vì giá rẻ và dễ sử dụng, chỉ với 2 giọt vaccine được nhỏ trực tiếp vào miệng trẻ. Vaccine này chứa virus sống đã bị suy yếu.
Tuy nhiên, cứ với mỗi 2 triệu liều, vaccine này có thể gây bại liệt cho khoảng 2-4 trẻ em. Một người cần phải tiếp nhận 4 liều vaccine mới được chủng ngừa đầy đủ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, virus suy yếu đôi khi đột biến thành một dạng nguy hiểm hơn và bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém và mức độ tiêm chủng thấp.
Những đợt bùng phát này thường bắt nguồn từ những người được tiêm chủng thải virus sống từ vaccine ra ngoài theo phân, chất thải. Từ đó, virus có thể lây lan trong cộng đồng và theo thời gian sẽ đột biến, lây nhiễm sang người và khởi phát dịch bệnh mới.
Nhiều quốc gia “xóa sổ” bệnh bại liệt đã chuyển sang sử dụng vaccine chứa virus bất hoạt ở dạng tiêm để tránh những nguy cơ như vậy. Các nước Bắc Âu và Hà Lan không bao giờ sử dụng vaccine uống. Các nhà khoa học khuyến cáo việc chuyển vaccine từ dạng uống sang dạng tiêm cần được triển khai sớm hơn trên toàn cầu.
Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm giáo dục vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết: “Nếu không có vaccine dạng uống này, chúng ta có thể không bao giờ loại bỏ được bệnh bại liệt ở các nước đang phát triển, nhưng giờ chúng ta đang phải trả giá. Cách duy nhất chúng ta xóa sổ bệnh bại liệt là loại bỏ việc sử dụng vaccine uống hoàn toàn”.
Vaccine đường uống được cho là đã làm giảm đáng kể số ca trẻ em bị mắc bệnh bại liệt. Khi nỗ lực xóa sổ toàn cầu bắt đầu vào năm 1988, có khoảng 350.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm. Trong năm nay, mới chỉ ghi nhận 19 ca nhiễm virus tự nhiên ở Pakistan, Afghanistan và Mozambique.
Năm 2020, số ca bại liệt liên quan đến vaccine đạt mức cao nhất là hơn 1.100 trường hợp phát hiện tại hàng chục quốc gia. Năm nay, con số đã giảm xuống còn 200.
Các chuyên gia cho biết để ngăn chặn bệnh bại liệt ở Anh, Mỹ và Israel, điều cần thiết là tiêm chủng nhiều hơn.
Trong khi đó, Oyewale Tomori - một chuyên gia virus học, người đã giúp chỉ đạo nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt tại Nigeria - cho hay trước đây ông và các đồng nghiệp không thích miêu tả các đợt bùng phát là có nguồn gốc từ vaccine do lo ngại thông tin này sẽ khiến người dân cảnh giác về việc tiêm chủng.
“Tất cả những gì chúng ta có thể làm là giải thích cơ chế hoạt động của vaccine và hy vọng mọi người hiểu rằng tiêm chủng là cách bảo vệ tốt nhất”, chuyên gia Tomori nhấn mạnh.