Bệnh đã nhanh chóng lây lan sang các nước láng giềng và đe dọa ngành chăn nuôi trong khu vực.
Bệnh lưỡi xanh lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Lan vào cuối năm 2023, đã nhanh chóng lan rộng sang Đức, Anh, vùng Flanders và giờ là Wallonia của Bỉ. Theo ông Thomas Demonty thuộc Liên đoàn nông nghiệp Wallonia, tỉnh Liège đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thời tiết nóng ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi, loài vật truyền bệnh này. Gió cũng góp phần đẩy nhanh quá trình lây lan. Nhà chức trách vừa phát hiện các ổ dịch ở Hainaut, đặc biệt là tại Chimay.
Kể từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở vùng Flanders, bệnh đã được kiểm soát tương đối. Nhiệt độ thấp và mưa trong những tháng qua đã giúp ngăn chặn bệnh lây lan và ảnh hưởng đến Wallonia. Nhưng hiện thời tiết đã chuyển sang nóng ẩm khiến bệnh lây lan, trong đó các tỉnh Liège và Hainaut là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số chủ trang trại thiệt hại hơn 30% tổng số cừu. Trước tình hình khó khăn trong việc kiểm soát sự lây lan, Cơ quan liên bang về an toàn thực phẩm (AFSCA) khuyến nghị tiêm vaccine cho gia súc để giảm các triệu chứng nghiêm trọng.
Mặc dù vaccine đã được đưa vào sử dụng, nhưng việc triển khai chậm trễ đã khiến nhiều đàn cừu thiệt hại nặng nề. Ông Demonty cho biết vaccine chỉ được cung cấp vào giữa tháng 5 và tháng 6 khi nhiều vật nuôi ra đồng.
Vaccine có giá thành cao và chưa được nhà nước hỗ trợ. Mặc dù vậy, các nhà chăn nuôi buộc phải tiêm phòng cho gia súc để giảm thiểu thiệt hại.
Lo ngại tình hình dịch bệnh tại Bỉ, Pháp đã ban hành các biện pháp hạn chế đối với việc vận chuyển gia súc tại các khu vực gần biên giới với Bỉ. Gia súc phải được kiểm dịch và phun thuốc sát trùng trước khi vận chuyển.
Bệnh lưỡi xanh không chỉ gây tỷ lệ tử vong cao ở cừu mà còn ảnh hưởng đến năng suất của đàn gia súc. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế lớn đối với các hộ chăn nuôi và đe dọa an ninh lương thực, thực phẩm.