Theo đài Sputnik (Nga), bệnh nhiễm trùng nấm đen hay Mucormycosis (trước đó còn được gọi là Zygomycosis) là căn bệnh nhiễm trùng nấm nặng nhưng hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến những người có vấn đề sức khoẻ hoặc sử dụng các loại thuốc làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và mầm bệnh của cơ thể.
Các trường hợp nhiễm nấm xảy ra giống như tác dụng phụ ở những bệnh nhân đang hồi phục sau khi mắc COVID-19. Trong 2 ngày qua, Bệnh viện Ganga Ram tại thủ đô New Delhi đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm nấm Mucormycosis.
Theo bác sĩ tại bệnh viện này, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhiễm nấm gia tăng có thể là do lạm dụng quá nhiều thuốc steroid.
“Việc sử dụng steroid trong điều trị bệnh COVID-10, cùng với thực tế là nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng mắc bệnh tiểu đường, có thể là lý do khiến số ca nhiễm nấm gia tăng trở lại. Những bệnh nhân COVID-19 cũng có khả năng miễn dịch kém nên có nguy cơ nhiễm nấm Mucormycosis cao hơn”, Bác sĩ Ajay Swaroop, Trưởng khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Ganga Ram cho biết hôm 6/5.
Bác sĩ Swaroop cũng nhấn mạnh việc sử dụng steroid cho bệnh nhân tiểu đường trong quá trình điều trị COVID-19 có khả năng dẫn đến sự phát triển của loại nấm này. Thậm chí bệnh nhiễm nấm Mucormycosis cũng đã xuất hiện ở những bệnh nhân huyết áp cao.
“Theo báo cáo trên khắp Ấn Độ, gần 85% bệnh nhân nhiễm nấm Mucormycosis sau khi mắc COVID-19 đều có tiền sử lượng đường trong máu cao và sử dụng liều lượng steroid lớn”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Bác sĩ Atul Patel nói.
Sự gia tăng các ca nhiễm nấm không chỉ được ghi nhận ở thủ đô New Delhi. Một số bang của Ấn Độ, chẳng hạn như Gujarat và Maharashtra, cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các ca nhiễm nấm sau khi mắc COVID-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, các triệu chứng của bệnh nhiễm nấm Mucormycosis có thể bao gồm sưng một bên mặt, đau đầu, sốt, nghẹt mũi và xuất hiện ngày càng nhiều các đốm đen trên mũi hoặc bên trong miệng.
Bệnh nấm Mucormycosis, thường có khả năng lây lan từ 15 đến 30 ngày, xuất hiện ở những bệnh nhân từng mắc COVID-19 chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày.
Bệnh nấm này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí Mucormycosis có thể lây lan trong cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân nhiễm nấm có thể phải cắt bỏ mũi, xương hàm và cũng có thể mất thị lực vĩnh viễn. Tỉ lệ tử vong đối với những bệnh nhân bị nấm lan lên não là khoảng 50%.
Theo tờ Navbharat Times của Ấn Độ, trong một tháng qua, gần 150 ca phẫu thuật bệnh nhiễm nấm Mucormycosis đã được tiến hành ở Gujarat.
Trong khi đó, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới đáng báo động về số trường hợp mắc COVID-19 hàng ngày vào hôm 6/5. Trong 24 giờ qua, quốc gia này đã ghi nhận trên 414.000 trường hợp mắc mới và 3.915 ca hợp tử vong. Tính đến sáng ngày 7/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 21,4 triệu ca mắc với 234.000 ca tử vong.