Bệnh nhân AIDS đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi, Timothy West Brown, mới đây đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần nửa năm ẩn mình kể từ khi thông tin về ca điều trị thần kỳ cho anh được công bố.
Timothy Brown đã thoát khỏi bệnh AIDS khi ghép tế bào gốc để chữa ung thư máu. Ảnh Internet. |
Tháng 12-2010, báo chí thế giới đã đưa tin, tiến sỹ Gero Huetter thuộc trường đại học Y khoa Charite ở Berlin đã chữa khỏi bệnh AIDS cho một bệnh nhân 40 tuổi người Mỹ bằng phương pháp ghép tủy sống. Nhưng tên tuổi và hình ảnh của bệnh nhân vẫn bị giấu kín, khiến nhiều người vẫn hoài nghi về thành công này.
Nhưng nay thì bệnh nhân may mắn ấy đã xuất hiện. Trả lời phỏng vấn kênh ABC News, anh Timothy Brown, 46 tuổi, đầy phấn khởi cho biết: “Tôi cảm thấy khỏe. Tôi chưa từng bị ốm đau gì nặng kể từ sau ca phẫu thuật, chỉ bị cảm lạnh như những người bình thường khác”.
Brown vừa bị AIDS vừa bị bệnh máu trắng. Năm 2007, ông tới Berlin tìm gặp bác sỹ Gero Huetter ở trường Đại học y khoa Charite, một chuyên gia về ung bướu và bệnh đường máu, khi tình trạng sức khỏe rất xấu, đang cận kề cái chết.
Bác sĩ Huetter lập tức đưa ra quyết định tiến hành cấy ghép tế bào gốc ở tủy sống để trị bệnh máu trắng trước. Kết quả vượt xa mong đợi. Sau 3 năm quan sát lâm sàng, ghép tủy không những chữa được bệnh máu trắng mà còn chữa khỏi luôn bệnh AIDS cho Brown.
Nguyên nhân là tủy sống của người hiến rất hợp với Timothy, đồng thời còn chứa một gene biến dị có thể tiêu diệt được HIV. Theo nghiên cứu thì loại gene biến dị này chỉ tồn tại trong cơ thể của một tỉ lệ rất nhỏ, không đầy 1% ở người da trắng, và thấp hơn nhiều ở các chủng tộc khác. Trước ca ghép tủy, các bác sĩ đã xét nghiệm gần 70 người hiến để tìm loại gien biến dị này, sau đó mới phát hiện được một người hợp.
Sau khi được ghép tủy, Timothy Brown đã “cải tử hoàn sinh”, cả hai căn bệnh đều khỏi. Sự kiện này đã gây chấn động không chỉ giới y học mà cả thế giới bởi qua trường hợp của Brown, người ta đã thấy được kỳ tích của y học, có thể kết liễu căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Việc tìm kiếm người hiến có gien biến dị hợp là rất khó khăn, nhưng các bác sĩ đang hy vọng vào một giải pháp tương tự có thể giúp những bệnh nhân HIV khác, đó là cấy ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn.
Tiến sĩ Lawrence Petz, giám đốc y tế của StemCyte, một ngân hàng máu cuống rốn, cho biết, mặc dù Brown được chữa khỏi nhờ ghép tủy, nhưng quá trình này vẫn rất phức tạp do tủy sống được lấy từ một người hiến trưởng thành. “Khi tiến hành cấy ghép như vậy, gien của người hiến và người nhận phải rất hợp. Nếu sử dụng máu cuống rốn, chúng ta không cần phải khớp như vậy và sẽ dễ tìm người hiến hơn”.
Tuy vậy, điều này cũng không đơn giản. Cho tới nay, Petz và các đồng nghiệp đã thử 17.000 mẫu máu cuống rốn và chỉ phát hiện 102 người có gien biến dị kháng HIV. Vài tuần trước đây, họ đã tiến hành ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên cho một bệnh nhân HIV, và đã lên kế hoạch một ca ghép khác cho bệnh nhân này tại Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối năm nay. Sẽ phải mất vài tháng trước khi các nhà nghiên cứu có thể kết luận, liệu ca cấy ghép có hiệu quả nào đối với bệnh nhân HIV nói trên hay không.
T.H