Theo tờ New York Times (Mỹ), Italy - một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 - đang chứng kiến số lượng người gặp hiện tượng trên gia tăng. Nhiều người cho biết sau khi khỏi bệnh, họ phải đối mặt với một cuộc chiến mới liên quan đến thể trạng mệt mỏi và các vấn đề về hô hấp.
Bà Morena Colombi nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 16/3. Giới chức y tế Italy đưa bà vào danh sách những bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng, người phụ nữ 59 tuổi này vẫn không thấy sức khỏe khá hơn. Ngày 21/4, bà quay trở lại làm việc cho một công ty mỹ phẩm. Tuy nhiên, chứng khó thở và đau nhức các cơ khiến bà không thể làm gì. Bà tiếp tục xét nghiệm và kết quả một lần nữa xác nhận bà không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Cần một thời gian dài hồi phục. Tôi không thể quay trở lại nhịp sống bình thường trước kia”, bà Colombi – hiện sống tại Truccazzano, ngoại ô thành phố Milan – chia sẻ.
Một số bệnh nhân gặp các triệu chứng dai dẳng cho biết giới y khoa cần chú ý tới hiện tượng này nhiều hơn.
Ngày 7/3, ông Edmondo Cirielli – thành viên Quốc hội thuộc đảng cánh hữu Anh em Italy – xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Chỉ một tuần sau đó, ông đã hạ sốt và không còn ho, được cho về nhà để tự cách ly. Trong 40 ngày tiếp theo, ông liên tục gặp các triệu chứng như mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy và đau nhức phần cổ.
“Khi tôi cảm thấy khỏe thì ngày hôm sau, sức khỏe lại kém đi. Tình trạng lên xuống liên tục kéo dài một tháng”, ông Cirielli cho biết. Đến khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, ông vẫn có cảm giác mắt nóng rát và triệu chứng tiêu chảy tiếp diễn. Cuối tháng Tư, kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính trở lại.
Tình trạng nhiễm virus kéo dài và thời gian bình phục của bệnh nhân trở thành một chủ đề được nhắc tới nhiều tại miền Bắc Italy – nơi mà nhiều người dân đang gặp khó khăn về sức khỏe cũng như tài chính khi chưa thể quay trở lại làm việc do bệnh tật kéo dài.
Tiến sĩ Annalisa Malara làm việc trong phòng chăm sóc tích cực tại Codogno, Đông Nam Milan là người chẩn đoán ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Italy. Ông cho biết vẫn chưa nắm được nguyên do tại sao virus SARS-CoV-2 tác động của tới người bệnh lâu đến như vậy.
“Chúng ta chứng kiến rất nhiều trường hợp người bệnh phải mất rất lâu sau mới hồi phục. Nó không phải là một loại bệnh 60 ngày đã khỏi. Cần phải có sự hồi phục dần dần và thời gian dài”, ông Alessandro Venturi – Giám đốc bệnh viện San Matteo tại thành phố Pavia thuộc vùng Lombardy – giải thích.
Phần lớn những người mắc COVID-19 chỉ gặp một số ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có người bệnh tình trạng trở nên nặng hơn và bị viêm phổi. Một khi phổi bị tổn thương, điều này cần hàng tháng để chữa lành. Thậm chí các bác sĩ còn cảnh báo có những tổn thương không thể hồi phục hoàn toàn. Bệnh cạnh phổi, những bộ phận khác như thận, tim, gan và hệ thống thần kinh một khi bị tấn công vì lây nhiễm thứ cấp cũng cần thời gian dài để hồi phục chức năng ban đầu.
Tính đến ngày 13/5, theo thống kê của trang worldometers.info, Italy ghi nhận tổng cộng 221.216 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.911 ca tử vong và 109.039 người đã khỏi bệnh.