Theo báo Straitstimes, bệnh viện Jinyintan (thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) gọi đây là những bệnh nhân COVID-19 “dài hạn” và là một trong những thách thức lớn nhất mà các bác sĩ phải đối mặt.
Giám đốc bệnh viện Zhang Dingyu cho biết các bác sĩ không biết phải làm gì với những bệnh nhân này, đặc biệt là khi sức khỏe tâm lý của họ bị ảnh hưởng do cách ly lâu ngày.
Jinyintan là bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm duy nhất tại tỉnh Hồ Bắc – nơi từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc. Có chuyên môn trong việc đối phó với các bệnh từ virus như HIV, cúm mùa, bệnh tay chân miệng, Jinyintan là một trong những bệnh viện đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19, sau khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán từ tháng 12 năm ngoái.
Bác sĩ Zhang cho biết trong những lúc cao điểm của dịch bệnh vào hồi tháng Hai, bệnh viện cùng lúc phải chữa trị cho gần 500 bệnh nhân, với sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế Thượng Hải và các quân nhân Trung Quốc. Hiện vẫn còn 123 bệnh nhân phải theo dõi.
Bác sĩ Zhang chia sẻ bệnh viện Jinyintan đang tập trung điều trị cho nhóm bệnh nhân “dài hạn”. Ông nói 14 bệnh nhân tại bệnh viện đã bình phục nhưng vẫn tiếp tục dương tính với virus SAR-CoV-2.
Khi xét nghiệm COVID-19, bệnh viện sẽ phải lấy 4 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân từ mũi, họng, trực tràng và máu. Phần lớn bệnh nhân nhận kết quả âm tính với gần như các mẫu xét nghiệm, ngoài trừ xét nghiệm họng.
“Chúng tôi không dám cho họ xuất viện. Có thể trong tương lai, mọi người sẽ nói phương pháp này sai vì virus đã chết và chỉ sót mảnh vụn trong tế bào. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thận trọng”, bác sĩ Zhang nói thêm bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại đây lâu nhất là 60 ngày.
“Chắc chắn việc ở trong viện trong thời gian dài, cách ly và phải điều trị ảnh hưởng tới cuộc sống của bệnh nhân”. Bác sĩ Zhang cho biết bênh viện cũng tư vấn và trị liệu về tâm lý cho những người vẫn còn điều trị trong viện.
Bệnh viện hiện đang nỗ lực tăng cường năng lực để đề phòng trường hợp loại virus này trở nên phổ biến trong xã hội, tương tự như cúm mùa, cúm gia cầm hoặc tay chân miệng.
Trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại tại Trung Quốc được nới lỏng và ngày càng có nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài trở về nước, nhiều chuyên gia cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ hai từ những bệnh nhân không có triệu chứng.
Trung Quốc ngày 9/4 ghi nhận thêm 56 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, nâng tổng số trường hợp lên 657. Từ ngày 1/4, giới chức bắt đầu công bố số liệu các trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, những thông tin về địa điểm phát hiện không được tiết lộ.
Quốc vụ viện ngày 8/4 đã ban hành hướng dẫn mới về việc ghi nhận những trường hợp trên. Giới chức địa phương phải điều tra các mối tiếp xúc gần trong 24 giờ đồng hồ một khi phát hiện ra trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng. Những bệnh nhân hồi phục và xuất viện vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày, và trở lại bệnh viện tái khám vào tuần thứ 2, thứ 4.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện những ca bệnh ẩn, phần lớn trong số đó không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, là nguyên nhân chính dẫn tới sự lây lan nhanh của dịch bệnh tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, bác sĩ Zhang đã bác bỏ giả thuyết các ca bệnh không có triệu chứng gây ra mối đe dọa. “Nếu nó là vấn đề, thì chúng ta đã phải chứng kiến số lượng lớn các ca bệnh rồi”, bác sĩ Zhang kết luận.