Những năm đầu thế kỷ 20 tại Berlin, thủ đô nước Đức, giới báo chí đã làm cho cả nước Đức và thế giới kinh ngạc khi đăng tải những tin tức về sự thông minh của một chú ngựa tên Hans của ông Wilhelm von Osten, một giáo viên dạy toán bậc trung học phổ thông.
Tên đầy đủ của chú ngựa này là Clever Hans, thuộc giống ngựa Orlov Trotter (hay còn được gọi là Orlov) của Nga. Đây là dòng ngựa nổi tiếng với bước kiệu dài, tốc độ nhanh và sức bền tốt. Tại Nga, Orlov là giống ngựa nổi tiếng nhất, bắt đầu được nhân giống phổ biến vào những năm cuối thể kỷ 18.
Von Osten và học trò xuất sắc của mình. |
Vào năm 1891, màn biểu diễn của Wilhelm von Osten cùng với chú ngựa cưng Clever Hans đã thu hút số lượng người xem lớn chưa từng thấy.
Ông Von Osten có thể hỏi nó nhiều câu hỏi hóc búa về làm toán như cộng trừ nhân chia, ngày giờ trong tuần, các nốt nhạc, đọc, đếm số và hiểu được tiếng Đức. Ví dụ ông Von hỏi: Nếu thứ ba ngày 8 thì thứ sáu ngày bao nhiêu. Lập tức Hans gõ chân 11 cái. Hỏi 23 + 49 bằng bao nhiêu, Hans gõ chân 72 cái liền.
Hans không chỉ biết đếm mà còn có thể xác định được thời gian, đọc và viết theo chính tả (tất nhiên là chỉ với tiếng Đức).
Vì không thể nói, nó diễn đạt chủ yếu bằng cách giậm chân trên mặt đất. Nếu được hỏi 5 cộng 2 bằng bao nhiêu, Hans sẽ giậm chân 7 lần; nếu được hỏi sau thứ hai là thứ mấy, Hans sẽ gõ nhẹ một lần là ám chỉ thứ ba, hai lần ám chỉ thứ tư, và cứ như vậy.
Với kết quả biểu diễn đáng kinh ngạc này, thầy trò Clever Hans đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Sự việc đã trở nên nghiêm túc đến mức Bộ Giáo dục Đức đã chỉ đạo thành lập Ủy ban điều tra khoa học đối với Clever Hans. Ủy ban này gồm 13 nhà nghiên cứu, do Giáo sư triết học Carl Stumpf dẫn đầu, có nhiệm vụ tiến hành từng bước kiểm tra nhằm làm rõ khả năng thật sự của Clever Hans.
Ủy ban này đã tiến hành 4 bước kiểm tra bao gồm: tách riêng Clever Hans cùng người chủ với khán giả để loại trừ sự trợ giúp của người thứ 3; thay thế ông chủ Von Osten bằng những người hỏi khác; dùng khăn bịt mắt Clever Hans; và kiểm tra khả năng Clever Hans đã được học thuộc câu trả lời từ trước.
Năm 1904, nhóm chuyên gia tuyên bố họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu thầy trò Hans sử dụng các thủ đoạn gian trá. Tuy nhiên, Giáo sư Stumpf và một thành viên trong nhóm, Oskar Pfungst, cuối cùng đã tìm ra mấu chốt vấn đề. Họ nhận thấy Hans hiếm khi có thể trả lời các câu hỏi mà Von Osten không biết câu trả lời. Điều này chứng tỏ chắc chắn có một số liên kết nào đó giữa họ.
Qua những thử nghiệm và quan sát hết sức cẩn thận, họ nhận ra rằng Hans đã phản ứng với các tín hiệu vô thức từ người huấn luyện của mình. Ví dụ khi Hans được yêu cầu cộng 2 và 3, Von Osten (đứng ngay trước mặt Hans và nhìn nó liên tục) sẽ nghiêng về phía trước một chút sau khi Hans giậm chân lần thứ năm và trước khi nó gõ cái thứ 6.
Với những câu hỏi về các ngày trong tuần, nghĩa của một từ, hoặc câu hỏi về toán học, người huấn luyện sẽ thực hiện các động tác tinh tế rất khó phát hiện khác (đôi khi chỉ đơn thuần là sự thay đổi nét mặt) và lúc đó, Hans sẽ dừng lại.
Trong quá trình điều tra, người ta cũng ghi nhận có những lúc cả thầy trò nhà Hans đã phát cáu. Các thành viên của Ủy ban kiểm tra thậm chí đã bị Hans cắn không ít lần.
Còn Von Osten thì không thừa nhận kết quả của Ủy ban kiểm tra, vẫn tiếp tục đưa học trò cưng của mình đi biểu diễn khắp nước Đức. Những màn biểu diễn của cả hai thầy trò vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của khán giả.
Dù sao đi chăng nữa, mọi người vẫn không thể phủ nhận được rằng Clever Hans là con ngựa rất thông minh. Câu chuyện về nó hiện nay vẫn là đề tài thảo luận giữa các nhà tâm lý học và các chuyên gia nghiên cứu về giao tiếp động vật.
Lê Hoàng