Bị bắt vì “chế bom”, cậu bé 14 tuổi được ông Obama mời gặp

Mọi thứ xảy đến với Ahmed Mohamed cứ như truyện cổ tích: Bị cảnh sát bắt giữ và còng tay vì nghi chế tạo bom, cậu bé đã được đích thân Tổng thống Mỹ mời tới Nhà Trắng dự một sự kiện của giới khoa học, công nghệ.


Ahmed bị bắt giữ từ hôm 14/9 và mãi đến ngày 17/9 mới được phép trở lại trường học. Cảnh sát đã tiến hành lấy dấu vân tay và chụp hình căn cước đối với Ahmed tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên. Chiếc đồng hồ cũng bị tịch thu. Nguyên do là bởi những người có trách nhiệm tại trường Trung học MacArthur ở Irvings, bang Texas đã loan báo với cảnh sát rằng cậu chế tạo và đem tới trường “một trái bom”.

Sự thật, đó là một chiếc đồng hồ có cấu tạo đơn giản, được cậu bé sáng chế từ một chiếc hộp bút, một bảng mạch điện tử và một nguồn điện kết nối với màn hình kỹ thuật số. Ahmed đã rất háo hức với thành quả của mình và đem tới lớp để khoe với giáo viên dạy kĩ thuật. Người này nhận xét đó là một sản phẩm sáng tạo, nhưng không nên giới thiệu với các giáo viên khác. Trong giờ học, không may chiếc đồng hồ phát ra tiếng bíp và nhà trường điện báo cảnh sát.

Ahmed Mohamed bỗng trở nên nổi tiếng và được ông Obama mời tới Nhà Trắng. Ảnh: AP

Cảnh sát sau đó đã phải thả Ahmed, khẳng định chiếc đồng hồ vô hại. Câu chuyện của cậu lập tức gây bão trên mạng xã hội. Hashtag “IstandWithAhmend” (tôi đứng về phía Ahmend) đã nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cũng lên tiếng ủng hộ và kết quả là Ahmed đã nhận được lời mời tới Nhà Trắng. 

“Chiếc đồng hồ độc đáo đấy! Cháu có muốn mang nó đến Nhà Trắng không? Chúng ta nên truyền cảm hứng đam mê khoa học tới nhiều trẻ nhỏ khác như cháu. Điều đó làm nước Mỹ vĩ đại”, Tổng thống Barack Obama viết trên Twitter. Nhân viên giúp việc của Tổng thống đã gửi tới Ahmed lời mời dự Đêm Thiên văn học, một sự kiện quy tụ các nhà khoa học, kĩ sư, phi hành gia, giảng viên, sinh viên tại South Lawn.

Về phần mình, trước khi chính thức bắt đầu buổi họp báo ngày 16/9 tại tư gia ở Irving, Ahmed giơ tay vẫy chào một hàng dài các phóng viên ken đặc. Cậu bé cho biết đã chấp nhận lời mời của ông chủ Nhà Trắng, đang xem xét chuyển trường, không học tại MacArthur nữa. Khi được hỏi về dự định và sự ủng hộ đến từ ông Obama, bà Clinton và ông chủ Zuckerberg, Ahmed nói: “Tôi cảm thấy rất đặc biệt và muốn sử dụng thời khắc ở Đêm Thiên văn để không chỉ giúp đỡ tôi mà là giúp toàn thể những trẻ em khác trong thế giới này gặp phải tình cảnh như tôi”. Cậu bé tự giới thiệu mình là “người chế đồng hồ và gặp phiền toái vì nó”.

Một câu chuyện khác trong lòng nước Mỹ?

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, câu chuyện của Ahmed là trường hợp điển hình cho thành kiến phân biệt vô lý trong một kỉ nguyên mà nước Mỹ phải đối mặt với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hồi giáo trong nội địa và tại Trung Đông. Rộng hơn, nhiều người đặt ra câu hỏi: Có phải Ahmed trở thành “mục tiêu” chỉ bởi cái tên và nguồn gốc Hồi giáo của cậu?

Bố Ahmed, ông Mohamed El Hassan, 54 tuổi, thì nói rằng cả gia đình đã sống trong căn nhà ở Irvings hơn 30 năm, cậu con trai ông thường xuyên sửa xe ôtô, điện thoại, máy tính, điện gia đình và đã lắp ráp một chiếc xe go-kart mang đậm phong cách Mỹ. “Thế nhưng đó không phải là nước Mỹ. Kiểu hành xử đó không phải là người Mỹ, không giống chúng ta”, ông bình luận về việc cảnh sát bắt giữ Ahmed.

Phát biểu tại cuộc họp báo, cảnh sát trưởng Irving, ông  Larry Boyd, cho rằng các nhân viên thuộc quyền có lý do chính đáng khi bắt giữ một trẻ vị thành niên dựa trên thông tin được cung cấp. Khi được hỏi liệu cảnh sát có hành xử khác không nếu Ahmed là người da trắng, ông Boyd nói rằng sẽ vẫn làm vậy vì “không thể mang những thứ như thế đến trường”.

Những người thuộc phe dân chủ tại Texas thì nói rằng, vụ bắt giữ Ahmed là hệ quả từ làn sóng bài Hồi giáo lan quá nhanh trong giới quan chức Irvings. Chính thị trưởng Irvings, bà Beth Van Duyne đã lớn tiếng chỉ trích một nhóm Hồi giáo tại đây, cáo buộc nhóm này thiếp lập luật hồi giáo Shariah hà khắc, chống Mỹ. “Vụ việc là kết cục hợp logic, xuất phát từ tư tưởng bài Hồi giáo và đó là điều thật tệ hại”, bà Carol Donovan, dân biểu đảng Dân chủ tại hạt Dallas bình luận.

Hoài Thanh (Theo Nytimes)
Châu Âu lại “chết lặng” với lập luận của cậu bé di cư người Syria
Châu Âu lại “chết lặng” với lập luận của cậu bé di cư người Syria

Một bé trai 13 tuổi người Syria đã có cách cắt nghĩa hoàn hảo cho cuộc khủng hoảng người di cư mà châu Âu đang phải đối mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN