Trong thông cáo do Bộ Ngoại giao Panama phát ra cùng ngày, nước này phản đối việc EU đưa bổ sung Panama vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây nguy cơ cao cho liên minh trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, Chính phủ Panama tuyên bố sẽ triệu đại diện của mình tại EU về nước và thông báo các bước đi tiếp theo trong vòng 30 ngày tới.
Thông cáo cho biết thêm, việc triệu hồi tham vấn đại diện tại EU cũng nhằm mục đích thiết lập kênh liên lạc với Ủy ban châu Âu (EC) và tiếp tục nỗ lực để kênh liên lạc có thể làm sáng tỏ những mối lo ngại của liên minh này.
Chính phủ Panama cho rằng toàn bộ quá trình thiết lập danh sách nói trên là không “rõ ràng” vì nước này chưa bao giờ được tham vấn về vấn đề liên quan. Ngoài ra, thông cáo nhấn mạnh, việc đưa Panama vào danh sách đen là không phù hợp với mối quan hệ song phương và thương mại gần gũi giữa quốc gia Trung Mỹ và EU, chưa kể đến những bước tiến trong việc tăng cường và hiện đại hóa nền tảng tài chính và các dịch vụ quốc tế của Panama. Chính vì vậy, Chính phủ Panama kêu gọi EC xem xét lại biện pháp “không công bằng” chống lại một đất nước có cam kết rõ ràng trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Trước đó cùng ngày, EC thông báo đã bổ sung 7 quốc gia, trong đó có Panama và Saudi Arabia, vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây ra mối đe dọa cho liên minh do tình trạng kiểm soát lỏng lẻo các hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền.
Như vậy, trong tổng số 23 chính quyền hiện bị EC liệt vào danh sách này có Saudi Arabia, Panama, Libya, Botswana, Ghana, Samoa, Bahamas và 4 vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Mỹ gồm Samoa, quần đảo Virgin, Puerto Rico và Guam, Afghanistan, Triều Tiên, Ethiopia, Iran, Iraq, Pakistan, Nigeria, Sri Lanka, Syria, Trinidad và Tobago, Tunisia và Yemen. Trong khi đó, các quốc gia gồm Bosnia Herzegovina, Guyana, Lào, Uganda và Vanuatu được loại khỏi danh sách đen.
Ngoài việc gây tổn hại uy tín, các chính quyền kể trên cũng bị EC coi là đã làm phức tạp quan hệ tài chính với EU. Các ngân hàng của khối này sẽ phải tiến hành kiểm tra bổ sung các khoản thanh toán liên quan tới các thực thể từ những chính quyền bị liệt vào danh sách nói trên.
Bước đi của EC đã vấp phải những chỉ trích từ một số quốc gia EU do lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ kinh tế của họ với các nước bị liệt vào danh sách trên, đặc biệt là Saudi Arabia. 28 nước thành viên EU có từ 1-2 tháng để thông qua danh sách trên. EU có thể bác bỏ đề xuất của EC nếu đa số các nước thành viên phản đối.