Như vậy, trong tổng số 23 chính quyền hiện bị EC liệt vào danh sách đen có Saudi Arabia, Panama, Libya, Botswana, Ghana, Samoa, Bahamas và 4 vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Mỹ gồm Samoa, quần đảo Virgin, Puerto Rico và Guam, Afghanistan, Triều Tiên, Ethiopia, Iran, Iraq, Pakistan, Nigeria, Sri Lanka, Syria, Trinidad và Tobago, Tunisia và Yemen. Trong khi đó, các quốc gia gồm Bosnia Herzegovina, Guyana, Lào, Uganda và Vanuatu được loại khỏi danh sách đen.
Ngoài việc gây tổn hại uy tín, các chính quyền kể trên cũng bị EC coi là đã làm phức tạp quan hệ tài chính với Liên minh châu Âu (EU). Các ngân hàng của khối này sẽ phải tiến hành kiểm tra bổ sung các khoản thanh toán liên quan tới các thực thể từ những chính quyền bị liệt vào danh sách nói trên.
Phát biểu họp báo, Ủy viên Tư pháp của EU Vera Jourova (Vê-ra Giâu-rô-va) nhấn mạnh cần phải đảm bảo "tiền bẩn" từ các quốc gia khác không tuồn vào hệ thống tài chính khối này. Bà đồng thời kêu gọi các quốc gia bị liệt trong danh sách trên "nhanh chóng khắc phục những thiếu sót".
Bước đi của EC đã vấp phải những chỉ trích từ một số quốc gia EU do lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ kinh tế của họ với các nước bị liệt vào danh sách trên, đặc biệt là Saudi Arabia. EC vẫn quyết định đưa Riyadh vào danh sách trên bất chấp nhiều sự phản đối.
28 nước thành viên EU có từ 1-2 tháng để thông qua danh sách trên. EU có thể bác bỏ đề xuất của EC nếu đa số các nước thành viên phản đối.