Phóng viên CNN đã phỏng vấn nhiều gia đình quanh thành phố Herat ở miền tây Afghanistan. Họ buộc phải bỏ nhà cửa vì trận hạn hán kỷ lục.
Mamareen là một trong số đó. Cô phải bỏ nhà sống trong một trại tị nạn bên ngoài Herat. Mamareen đã mất chồng trong chiến tranh, mất nhà do hạn hán và giờ mất cả con gái vì gia đình cần thức ăn.
Cô đã dứt ruột bán đi đứa con 6 tuổi tên là Akila cho một người đàn ông tên là Najmuddin với giá 3.000 USD. Gia đình Najmuddin hứa sau này sẽ cho cô bé Akila lấy con trai Sher Agha đang 10 tuổi.
Mamareen kể: “Tôi rời làng cùng ba con vì hạn hán nghiêm trọng. Tôi tới đây vì nghĩ rằng tôi sẽ được hỗ trợ, nhưng không có gì cả. Để các con khỏi chết đói, tôi đã phải bán con gái cho một người đàn ông với giá 3.000 USD, nhưng mới chỉ nhận được 70 USD. Tôi không có tiền, không có thức ăn và không có người trụ cột, chồng tôi cũng đã chết”.
Khi hỏi liệu Akila có biết về số phận của mình, Mamareen nói: “Nó không biết là tôi đã bán nó. Làm sao nó biết được. Nó là một đứa trẻ. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Dù là trong nước mắt hay nụ cười thì nó cũng phải đi. Ai lại đi bán một phần trái tim trừ khi thực sự phải làm chứ?”
Số phận của Akila chỉ cách cô bé vào mét, trong một căn lều giàu hơn của ông Najmuddin – người mua Akila.
Một phần cuộc mua bán này là do truyền thống văn hóa của Afghanistan, nơi mà các bé gái từ lâu đã được giao dịch để đổi lấy của hồi môn hơn là được hỏi ý kiến. Nhưng với ông Najmuddin, đây là một hành động từ thiện.
Ông nói: “Gia đình cô ấy không còn gì để ăn. Họ đói. Tôi biết tôi cũng nghèo nhưng tôi chắc tôi có thể trả số tiền dần dần trong hai hoặc ba năm”.
Najmuddin cũng là nạn nhân của hạn hán. Ông kể: “Mùa lúa mỳ thất bát, chúng tôi không thể trồng dưa. Mọi cây trồng khác đều thất bát vì hạn hán. Chúng tôi mất gia súc. Cừu, bò và dê đều chết đói vì không còn cỏ khô ăn”.
Mamareen không phải là trường hợp duy nhất phải bán con để sống. Một người đàn ông khác giấu tên đang tính chuyện bán con gái bốn tuổi cho biết: “Tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi không có tiền và không có nguồn thu nhập. Người đàn ông đó tới đây và cho tôi hai lựa chọn: hoặc là trả lại tiền cho ông ta hoặc là đưa cho ông ta con gái tôi. Tôi phải chọn cách sau”.
Theo Liên hợp quốc, trận hạn hán năm 2018 này đã khiến nhiều người phải bỏ nhà cửa hơn là tình hình bạo lực.
Ước tính hơn 275.000 người rời nhà do hạn hán, trong đó 84.000 người sống trong thành phố Herat và 182.000 người sống trong khu vực Badghis.
Bốn mùa mưa nhưng không có hạt mưa nào đã làm kiệt quệ ngành nông nghiệp trong khu vực, thậm chí còn khiến cây anh túc giảm 1/3 sản lượng năm nay.
Tình hình thời tiết cực đoan đã gây lo ngại rằng biến đổi khí hậu toàn cầu đang để lại ảnh hưởng nghiêm trọng lên các nước dễ bị tổn thương nhất như Afghanistan, nơi mà hàng chục năm chiến tranh đã khiến nền kinh tế sụp đổ.