Điều tra của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết một số nhân viên tình báo được Mỹ đào tạo cùng với binh sĩ các đơn vị đặc nhiệm Afghanistan hiện rơi vào tình cảnh bị Mỹ bỏ rơi và bị Taliban săn lùng. Số này đã gia nhập IS - lực lượng có khả năng thách thức chính quyền mới tại Kabul.
Theo giới lãnh đạo Taliban cũng như giới cựu quan chức an ninh Afghanistan và nhiều nguồn thạo tin, số lượng đào tẩu sang IS hiện còn nhỏ, nhưng con số tiếp tục gia tăng. Số thành viên mới được tuyển mộ này sẽ giúp IS có được số chuyên gia có kinh nghiệm về thu thập tin tức tình báo và kĩ thuật tác chiến, tạo điều kiện để quân khủng bố IS đủ sức cạnh tranh, đương đầu với Taliban.
Một cựu quan chức Afghanistan cho biết một cựu sĩ quan trong chính quyền cũ – người phụ trách kho vũ khí, đạn dược ở Gardez, thủ phủ tỉnh Paktia vùng đông nam, đã gia nhập chi nhánh của IS tại tỉnh Khorasan (gọi tắt là IS-K) và thiệt mạng hơn một tuần trước đây trong một vụ giao tranh với các tay súng Taliban. Nhiều cựu nhân viên tình báo, sĩ quan quân đội cũng gia nhập hàng ngũ của IS sau khi bị quân Taliban tới nhà lùng sục và lệnh phải ra trình diện chính quyền mới.
“Ở một số vùng, IS có sức hút rất lớn đối với các cựu thành viên trong lực lực quốc phòng, an ninh Afghanistan – những người ‘đã bị bỏ lại đằng sau’. Nếu có phong trào kháng cự, họ sẽ lập tức đi theo. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất IS là nhóm vũ trang đối kháng với Taliban”, Rahmatullah Nabil, cựu giám đốc Cơ quan an tình báo quốc gia Afghanistan (NDS) nói.
Hàng trăm ngàn sĩ quan, binh sĩ, nhân viên tình báo, cảnh sát trong chính quyền cũ tại Afghanistan hiện lâm vào cảnh thất nghiệp và lo sợ cho an toàn của bản thân bất chấp việc Taliban cam kết thực thi ân xá. Chỉ có một phần rất nhỏ trong số này, chủ yếu là lực lượng thuộc NDS, quay trở lại làm việc dưới quyền giám sát của Taliban. Như nhiều nhân viên chính phủ khác, họ cũng bị nợ lương nhiều tháng.
Theo giới chức an ninh Mỹ, IS đang mạnh tay chi tiền để tuyển mộ thành viên mới là cựu sĩ quan, binh sĩ ở Afghanistan. Trong phiên điều trần mới đây tại Thượng viện, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cảnh báo quân IS tại Afghanistan có thể lớn mạnh tới ngưỡng đủ sức thực hiện một vụ tấn công nhằm vào phương Tây trong vòng 6-12 tháng nữa. Ông cũng cho rằng không nên mong đợi quá nhiều vào khả năng Taliban sẽ tiêu diệt IS.
Đều tuyên bố muốn áp đặt trật tự hồi giáo nghiêm ngặt ở Afghanistan, nhưng Taliban và IS-K có khác biệt lớn về tôn giáo, hệ tưởng và chính trị. Taliban trung thành với trường phái Hanafi của Hồi giáo Sunni, tránh đối đầu bạo lực đối với người Hồi giáo dòng Shiite, thể hiện mong muốn tìm kiếm quan hệ hữu hảo với tất cả các nước, trong đó có Mỹ.
Trong khi đó, IS tuân theo tư tưởng trường phái Salafi của Hồi giáo Sunni - hà khắc hơn Hanafi, coi người Hồi giáo dòng Shiite là kẻ thù cần phải diệt trừ. IS hướng đến mục tiêu thành lập một thế giới của nhà nước Hồi giáo thông qua các chiến dịch chinh phạt quân sự.
Tại Afghanistan, IS-K được hình thành vào năm 2014, với nòng cốt là số chiến binh Taliban ở Pakistan - những tay súng bị chiến dịch quân sự của Mỹ đẩy qua biên giới Afghanistan. Khi Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ, những tay súng bất mãn với Taliban đã chuyển sang gia nhập IS-K, vì cho rằng Taliban đã trở nên quá ôn hòa. Nhóm vũ trang này từng kiểm soát nhiều khu vực ở miền đông Afghanistan, trước khi bị Taliban mở chiến dịch tấn công quân sự năm 2015, đánh bật và làm suy yếu IS-K.
Nhưng IS-K đã nhen nhóm trở lại mạnh mẽ trong năm nay, tận dụng việc chính quyền tại Kabul sụp đổ sau khi Mỹ rút quân, đẩy Taliban lên nắm quyền. IS-K trong tháng 8 vừa qua đã sát hại khoảng 200 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ ở sân bay Kabul hồi tháng 8. Kể từ đó, nhóm này mở nhiều cuộc tấn công bất chợt nhằm vào Taliban, chủ yếu tại tỉnh miền đông Nangarhar và hiện nay lan tới cả Kabul. IS-k lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tấn công bom nhằm vào nhà thờ hồi giáo dòng Shiite ở hai thành phố Kunduz and Kandahar trong tháng này, làm ít nhất hơn 100 tín đồ thiệt mạng.