Ngày 28/10, Bỉ tiến hành thử nghiệm rađa phát hiện mây tro bụi núi lửa trên bầu trời vịnh Biscay. Theo giới chuyên môn, rađa phát hiện tro bụi núi lửa rất hiệu quả cho ngành vũ trụ hàng không, vì trong đám mây tro bụi nhân tạo có thể chứa khoảng 1 mg bụi/m3 không khí. Mật độ này đủ để gây hỏng động cơ máy bay đang hoạt động. Một núi lửa đang phun tro bụi. Ảnh: AP
|
Trong chương trình thử nghiệm, một máy bay quân sự chở hàng Airbus A400M thải ra nhiều tấn tro bụi núi lửa theo hình xoắn phía trên vịnh Biscay với độ cao khoảng 3.000-4.000 mét so với mặt nước biển. Máy bay thứ hai, máy bay thương mại A340 bay ở nhiều độ cao khác nhau gần đám mây tro bụi nhân tạo để đo hiệu quả của rađa phát hiện. Máy bay thứ ba - máy bay trực thăng của Đại học Düsseldorf đánh giá đặc tính quang học bên trong đám mây tro bụi núi lửa.
Tiến sĩ Fred Prata thuộc Viện nghiên cứu khí quyển và thiết kế rađa của Na Uy cho biết mật độ bụi dày đặc là nguyên nhân chủ yếu tạo ra các nguy cơ rủi ro khác cho máy bay. Vì vậy, khi lắp đặt máy phát hiện mây tro bụi núi lửa trên máy bay, phi công sẽ được cảnh báo ngay lập tức về sự hiện diện của đám mây tro bụi núi lửa, có thể ở cự ly khoảng 100 km với độ cao từ 1.500-15.000 m. Hình ảnh thu được sẽ cho phép thay đổi quỹ đạo bay để tránh đám mây tro bụi này. Việc thử nghiệm trên không gian rộng của vịnh Gascogne sẽ là giai đoạn chính trước khi loại rađa này được bán rộng rãi.
Để tránh những khoản chi khổng lồ do tê liệt hàng không bởi những đám mây tro bụi núi lửa, hãng Airbus và Easyjet đã cùng tài trợ cho nghiên cứu này. Theo tạp chí "Nature" của Bỉ, chỉ riêng việc thử nghiệm phát hiện mây tro bụi núi lửa trên bầu trời vịnh Biscay cũng tiêu tốn khoảng 500.000 euro.
TTXVN/ Tin tức