Việc tiêm mũi tăng cường này sẽ được thực hiện đối với những người đã tiêm mũi thứ hai vaccine của AstraZeneca hay mũi duy nhất vaccine của Johnson & Johnson được 4 tháng và nâng lên thành 6 tháng đối với hai loại vaccine của Moderna hoặc Pfizer. Vaccine được dùng tiêm tăng cường sẽ phải là loại được sản xuất bằng công nghệ mRNA.
Đối với những người dưới 65 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ, các nghiên cứu khoa học hiện tại cho thấy trong cơ thể họ vẫn có đủ lượng kháng thể cần thiết để tránh bị mắc bệnh nặng phải nhập viện. Vì thế, việc tiêm liều tăng cường đối với những người này là không cần thiết vào lúc này. Tuy nhiên, giới chức y tế Bỉ vẫn phải tiến hành thêm các nghiên cứu dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng y tế cấp cao.
* Tại Luxembourg, số liệu do Bộ Y tế nước này công bố ngày 29/9 cho thấy trẻ em và trẻ vị thành niên ở Luxembourg có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất cả nước với 166 ca bệnh trên 100.000 dân trong nhóm trẻ từ 0-14 tuổi, gần gấp đôi so với tỷ lệ chung của cả nước.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tỷ lệ mắc bệnh chung ở Luxembourg hiện nay là 93/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 85/100.000 dân ghi nhận hồi tuần trước và tăng ở tất cả các nhóm tuổi, ngoại trừ nhóm từ 15 – 29 tuổi vốn là tâm điểm của đợt tăng đầu mùa Hè sau kỳ nghỉ lễ quốc gia. Đứng thứ hai về tỷ lệ mắc bệnh sau nhóm trẻ em là nhóm tuổi từ 30 - 44, với 112 ca bệnh trên 100.000 dân.
Lý do khiến tỷ lệ bệnh nhi tăng nhanh là vì trẻ em là đối tượng duy nhất chưa được tiêm chủng và các bé cũng biết cách tuân thủ triệt để các biện pháp phòng chống khi đi học trở lại. Tại một số lớp mẫu giáo của trường quốc tế Edward Steichen ở Clervaux, các bé đã bị cách ly đến cuối tuần do có nhiều bạn trong lớp bị nhiễm COVID-19. Đối với nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cũng khá cao do các em được tiêm chủng ít nhất, chỉ 51,1%.
Trong khi đó, những người từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc bệnh rất thấp vì được tiêm chủng nhiều nhất với tỷ lệ lên tới trên 80%.
Những số liệu thống kê trên cho thấy tiêm phòng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ mắc COVID-19, nhất là việc giảm bớt nguy cơ nhập viện và phải chăm sóc đặc biệt vì nhiễm bệnh nặng. Bộ Y tế Tại Luxembourg cho biết có tới 3/4 số bệnh nhân nhập viện là những người chưa được tiêm phòng đầy đủ và tất cả các bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm liều thứ hai.