Theo một biên bản cuộc họp của FED công bố ngày 17/10, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, một số nhà hoạch định chính sách của FED vẫn tỏ ra thận trọng về những nguy cơ tiềm tàng đe dọa nền kinh tế thế giới, như đồng USD mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và tình trạng bất ổn kinh tế tại các nước mới nổi có thể dễ dàng tạo ra hiệu ứng domino trên phạm vi toàn cầu. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng FED sẽ sớm cần "giảm tốc" nền kinh tế.
Tổng thống Trump chỉ trích lộ trình tăng lãi suất của FED là "quá nóng vội" và đe dọa lịch trình kinh tế của chính phủ. Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, đa phần các nhà hoạch định chính sách của FED nhất trí rằng tiếp tục tăng lãi suất "sẽ phù hợp" với giai đoạn lạm phát ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 9 là 3,7%, mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Mặt khác, một số thành viên FED cho rằng dù các nguy cơ đang được kiểm soát, nhưng bất ổn tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó đa phần có nợ công cao và dễ bị tổn thương khi Mỹ tăng lãi suất, có thể "lây lan rộng hơn ra nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính".
FED dự định tiếp tục tăng lãi suất chủ đạo vào tháng 11 tới và đây sẽ là lần tăng thứ 9 kể từ năm 2015, và có kế hoạch tăng 3 lần nữa trong năm sau. Theo các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch này sẽ đưa lãi suất của Mỹ đến trên mức "trung tính", vốn là mức duy trì sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một ý kiến vẫn cho rằng FED cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa.