Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, giống như nhiều vùng ven biển khác, tại tỉnh Flanders, các bãi biển ở La Côte đang bị xói mòn do quy hoạch đô thị và khai thác cát, trong khi mực nước biển đang dâng cao một cách khó lường do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ông Sebastian Dan, chuyên gia tại Cơ quan thủy lợi Flanders, cho biết kể từ những năm 1990, hiện tượng này đã tăng tốc. Mỗi năm mực nước biển dâng hơn 3mm.
Ở Flanders, 15% diện tích đất thấp hơn trung bình 5m so với mực nước biển. Điều này làm cho Bỉ trở thành quốc gia châu Âu thứ hai dễ bị tổn thương bởi lũ lụt, sau Hà Lan. Theo dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mực nước biển có thể lên đến 1m vào năm 2100, thậm chí có thể bi quan hơn nếu không ngăn chặn được sự gia tăng không kiểm soát của khí thải nhà kính.
Để bảo vệ vùng bờ biển La Côte, nhiều giải pháp đã được triển khai. Ông Peter Van Besien, người phụ trách phát triển ven biển của Cơ quan Hàng hải và Duyên hải Flanders (MDK), cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra các biện pháp mềm, chẳng hạn như nâng cao các bãi biển và gia cố cồn cát, nhưng cũng có các biện pháp cứng đòi hỏi sự can thiệp kỹ thuật như đê và tường chắn bão, như mới đây là một con đập chống lũ ở cửa sông Yser, ở Nieuport”.
Công trình đập chắn lũ này do MDK khởi động vào năm 2018 và sẽ hoàn thành vào năm 2025. Đây sẽ là một bức tường thép rộng m, có thể tháo rời trong trường hợp mực nước dâng cao hoặc bão để ngăn nước biển đi vào luồng cảng và giúp bảo vệ cảng khỏi những con sóng mạnh. Các công việc được thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể an toàn ven biển do chính quyền vùng Flanders vạch ra vào năm 2011 nhằm bảo vệ toàn bộ La Côte và vùng nội địa cho đến năm 2050 khỏi mực nước biển dâng cao dự kiến khoảng 30cm.
Theo nhiều chuyên gia, đập chắn lũ như vậy là cần thiết để đối phó với nguy cơ thành phố bị nhấn chìm, tuy nhiên, đây là giải pháp rất tốn kém, vì chi phí dự kiến lên tới 70 triệu euro.
Đối với những giải pháp thích ứng này, có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Besien cho biết mỗi thành phố ven biển có những thách thức khác nhau và đòi hỏi một cách tiếp cận cụ thể. Đập chống lũ là giải pháp phù hợp nhất cho Nieuport. Nhưng với sự gia tăng của mực nước biển dâng, hậu quả đối với vùng La Côte có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng vào cuối thế kỷ này, và con đập có tuổi thọ 100 năm sẽ phải được cải tạo trong nhiều năm.
Về phần mình, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), ông Xavier Bertin cho biết: “Rủi ro là chi phí của con đập chống lũ tăng theo cấp số nhân. Về lâu dài, điều này sẽ khó duy trì". Mặt khác, ông Bertin cho rằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như khử bụi đất hoặc phục hồi đồng cỏ muối là vùng đệm làm giảm độ phồng lên và lưu trữ carbon với số lượng lớn, sẽ không hiệu quả ở vùng La Côte, nơi tiếp xúc trực tiếp với tác động của những con sóng. Ông đánh giá: “Nếu chúng ta muốn tiếp tục sống ở đó, thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng một con đập như vậy”.
François Gemenne, nhà nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu khoa học (FNRS), Giám đốc Đài thiên văn Hugo tại Đại học Liège và tác giả chính của IPCC, nhấn mạnh: “Nếu không thực hiện các biện pháp, con đập chống lũ lụt này có nguy cơ trở thành một hình thức thích ứng không tốt. Ta tin rằng mình được bảo vệ nhưng trên thực tế thì không".
Đối với nhà nghiên cứu người Bỉ, giải pháp này cần thời gian để có chiến lược di chuyển các khu dân cư, thậm chí cả một số khu kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là có những hoạt động kinh tế rất quan trọng trên bờ biển, như ở Nieuport vì đây là một khu vực giữ vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách.