Trong "Báo cáo thực trạng toàn cầu về chất có cồn và sức khỏe năm 2018" công bố ngày 21/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, con số trên đồng nghĩa cứ 20 trường hợp tử vong trên toàn cầu mỗi năm thì 1 trường hợp có nguyên nhân là do uống rượu bia. Trong số đó, 28% tử vong do tai nạn giao thông khi lái xe sau khi uống rượu hoặc gây gổ đánh nhau, 21% do rối loạn tiêu hóa, 19% do mắc các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ. Nam giới chiếm hơn 70% số ca tử vong có liên quan đến bia rượu.
Đồ uống chứa cồn gây ra hơn 200 vấn đề về sức khỏe, trong đó có bệnh xơ gan, ung thư và rối loạn tâm thần. Người lạm dụng bia rượu cũng trở nên dễ mắc các căn bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, HIV/AIDS và viêm phổi.
Con số hơn 3 triệu người tử vong do lạm dụng chất cồn, theo số liệu mới nhất thu thập trong năm 2016, chiếm 5,3% tổng số trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân trong năm này. Trong khi đó, HIV/AIDS là "thủ phạm" gây ra 1,8% số ca tử vong trên toàn cầu, tai nạn giao thông 2,5% và các cuộc xung đột, bạo lực 0,8%.
Mặc dù số người chết do việc tiêu thụ đồ uống có cồn đã giảm kể từ năm 2010, song WHO cảnh báo số trường hợp mắc bệnh và bị thương do việc lạm dụng bia rượu đang ở mức cao "không thể chấp nhận", đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ. Ước tính có 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ trên thế giới nghiện rượu. Ở châu Âu, tỷ lệ nam giới nghiện rượu là gần 1,5% và nữ giới là 3,5%, trong khi ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tỷ lệ này lần lượt là 11,5% và 5,1%.
Trung bình, thế giới có 2,3 tỷ người sử dụng đồ uống chứa cồn ít nhất 1 lần trong năm, với lượng tiêu thụ tương đương 2 ly rượu (300 ml), một chai bia lớn (750 ml) hoặc 2 shot rượu mạnh (80 ml). Châu Âu là khu vực có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia tính theo đầu người cao nhất trên thế giới, mặc dù đã giảm 10% kể từ năm 2010. Mức tiêu thụ rượu bia cũng đang gia tăng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trước thực trạng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom (Tê-đơ-rốt Át-ha-nôm) nhấn mạnh đã đến lúc phải tăng cường hành động để ngăn chặn hiểm họa nghiêm trọng từ việc lạm dụng rượu bia đối với sự phát triển của xã hội.
WHO kêu gọi các nước hành động nhiều hơn để ngăn chặn việc lạm dụng rượu bia và đạt được mục tiêu tới năm 2025 cắt giảm 10% lượng tiêu thụ rượu bia toàn cầu so với thời điểm năm 2010. Những giải pháp được WHO gợi ý đó là đánh thuế đối với các mặt hàng rượu bia và thắt chặt các quy định về quảng cáo rượu bia.