Đây là kết luận được đưa ra trong một báo cáo thường niên về chỉ số hòa bình do Viện nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố ngày 11/6. Đây là lần đầu tiên báo cáo của IEP đề cập tình trạng nóng lên toàn cầu đặt ra nguy cơ đối với nền hòa bình trên thế giới.
Theo báo cáo của IEP, trên thế giới có gần 1 tỷ người sống trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu và khoảng 40% trong số đó tập trung tại các nước vốn đang chìm trong xung đột. Biến đổi khí hậu gây ra xung đột do sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và cũng có thể đe dọa kế sinh nhai của người dân cũng như dẫn tới hiện tượng di cư hàng loạt.
IEP cho biết so với 10 năm trước, thế giới đã trở nên ít yên bình hơn do nhiều nhân tố gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng số người tị nạn.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch IEP Steve Killelea nhận định biến đổi khí hậu đang trở thành "một vấn đề lớn". Những tác động của biến đổi khí hậu có thể tạo ra một "điểm bùng phát" làm trầm trọng thêm những căng thẳng. Ông nhấn mạnh việc giải quyết các xung đột cực đoan có thể giúp các quốc gia hợp tác tốt hơn trong cuộc chiến chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên.
Ông Killelea nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không có một thế giới hòa bình, sẽ không thể đạt được mức độ tin tưởng và hợp tác cần thiết để giải quyết các vấn đề".
Nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn... Tất cả những điều này đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay.
Năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.