Với kế hoạch trên, tân tổng thống Mỹ đang từng bước thực hiện cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử là đưa nước Mỹ trở lại vị trí đi đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia trở lại Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
Dự kiến, cùng ngày, Tổng thống Biden sẽ thông báo về các lệnh cấm mới cho thuê mới các khu khai thác dầu và nhiên liệu hóa thạch thuộc các khu vực đất công hoặc ngoài khơi của Mỹ, cũng như xem xét lại các hợp đồng cho thuê hiện có.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ đưa ra cam kết đến năm 2030 bảo tồn 30% toàn bộ vùng đất đai và nước của liên bang, chung tay cùng cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự mất đi đa dạng sinh thái.
Chính quyền của Tổng thống Biden cũng chủ trương đưa việc xem xét các vấn đề khí hậu trở thành nội dung trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ, khôi phục hội đồng các cố vấn khoa học của tổng thống, chỉ đạo đầu tư vào các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến nhiên liệu hóa thạch về mặt kinh tế và hỗ trợ những cộng đồng người bị ảnh hưởng trực tiếp do môi trường sống bị tàn phá.
Theo báo cáo năm 2018, gần 1/4 lượng khí thải carbon dioxide của Mỹ có nguồn gốc từ năng lượng sinh ra trên đất liền của Mỹ. Trong năm 2019, hoạt động khoan thăm dò và khai thác nhiên liệu hóa thạch đã mang về nguồn thu 11,7 tỷ USD cho nước này.
Do vậy, các kế hoạch mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra nhằm hiện thực hóa các cam kết của ông trong chiến dịch vận động tranh cử, từng bước chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp khác nhằm đạt mục tiêu giảm lượng khí phát thải carbon xuống bằng 0 trong ngành điện vào năm 2035 và của toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050.