Trong thập niên tới, toàn cầu hướng đến việc loại bỏ dần than đá, cần có các ý tưởng sáng tạo để “trẻ hóa” và tái sử dụng các địa điểm khai thác bị bỏ hoang để khiến chúng có lợi cho môi trường và khí hậu. Điều này đã bắt đầu được triển khai ở một số quốc gia.
Từ mỏ cũ thành hồ nước
Đông Đức trước đây là một cường quốc khai thác than, nhưng ngành công nghiệp này đã lụi tàn theo sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Ngay sau đó, 25 mỏ than lộ thiên ở vùng Lusatia đã được chuyển thành các hồ giải trí. Trải dài qua các bang Brandenburg và Sachsen, nước từ một số con sông lớn được đưa vào các mỏ than cũ. Kể từ đó, khoảng 30.000 loài động vật và thực vật đã kéo đến khu vực này, dẫn đến sự gia tăng đa dạng sinh học.
Hồ Geierswalde và đặc biệt là hồ Partwitz đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Hồ Partwitz được hình thành trên một mỏ than cũ tại Geierswalde, một ngôi làng ở Lower Lusatia. Màu xanh ngọc trong vắt của hồ là sản phẩm của vôi sống được bổ sung nước để trung hòa độ axit từ mỏ không còn tồn tại. Mặc dù hồ Partwitz là địa điểm tuyệt vời để bơi lội và chèo thuyền, nó lại có ít tác dụng đối với đời sống thực vật và động vật.
Trong khi đó, các giống nho đang phát triển mạnh trên sườn của mỏ lộ thiên Meuro bỏ hoang nay là hồ Grossraschen ở Brandenburg. Các chuyên gia cho biết đất ở đây mang tính axit mạnh có thể ức chế sự phát triển của thực vật nhưng lại rất tuyệt vời cho trồng nho. Các nhà sản xuất rượu vang hiện đang sản xuất ba loại rượu vang trắng, vang hồng, vang đỏ và vang nổ từ nho được trồng tại mỏ cũ này.
Mỏ vàng chuyển sang thân thiện môi trường
Trong khi đó ở New Zealand, một mỏ vàng lộ thiên đã ngừng hoạt động vào năm 2016 nay được phục hồi nhằm tái tạo hệ sinh thái bản địa. Hơn một nửa diện tích khoảng 260 hecta đã được phủ xanh. Diễn biến này nằm trong Dự án Khôi phục Reefton - do chính công ty khai thác mỏ Oceana Gold khởi xướng và điều hành.
Cho đến nay, khoảng 800.000 cây con, gồm các loài cây sồi và cây manuka địa phương, đã được trồng tại địa điểm này. Thêm 200.000 cây khác sẽ được trồng vào cuối năm nay. 64.000 loài thực vật đất ngập nước khác sẽ được trồng trên bờ hồ cạn. Những vùng đất ngập nước này là một phần trong nỗ lực ổn định đập chất thải trước đây và làm phong phú khu vực bằng các loại chim.
Mỏ cũ nay "tỏa hương"
Ở Mỹ, các công ty khai thác có nghĩa vụ cải tạo hố trên bề mặt mỏ trước đây. Do dư lượng hóa chất cao trong đá và đất, việc trồng rừng hoặc phủ xanh các hố mỏ là khó khăn nếu không có lớp đất mặt mới. Nhưng ở Tây Virginia, một loài thực vật đã phát triển mạnh mẽ trên vùng đất cằn cỗi của các mỏ trước đây: hoa oải hương. Loại thảo mộc chịu hạn có nguồn gốc từ vùng đất khô, nhiều đá xung quanh Biển Địa Trung Hải này đang được Công ty Thực vật Appalachian trồng bền vững trên các mỏ khai thác cũ. Oải hương được chế biến thành dầu thơm dành cho mỹ phẩm và thực phẩm.
Ở Tây Virginia, trồng rừng là biện pháp khôi phục mỏ phổ biến nhất nhưng tốn kém và mất thời gian. Những người trồng hoa của Appalachian chia sẻ: “Việc trồng hoa oải hương có khả năng đẩy nhanh quá trình cải tạo”. Trang trại của họ không có hóa chất, thuốc trừ sâu và cần ít nước. Hỗ trợ hoa oải hương là nhiều ong mật, loài thụ phấn quan trọng giúp hồi sinh và duy trì đa dạng sinh học trên những địa điểm cạn kiệt này. Ngoài việc khôi phục các mỏ lộ thiên trước đây, việc trồng hoa oải hương này còn giúp tạo thêm việc làm cho các công nhân ngành than bị mất việc trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Pin Mặt Trời tạo năng lượng trên mỏ cũ
Từ Đức đến Trung Quốc, các trang trại năng lượng Mặt Trời cũng được coi là giải pháp phổ biến để xử lý các mỏ không còn hoạt động. Tại thành phố Cottbus, một trong những hồ nhân tạo trong mỏ than Lusatia bị bỏ hoang từ lâu sẽ trở thành trang trại năng lượng Mặt Trời nổi lớn nhất ở Đức. Trang trại dự kiến đạt công suất 21 megawatt.
Trong khi đó, nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất của Slovenia đã được hoàn thành vào năm 2022 tại khu vực khai thác mỏ Zasavje.
Và tại Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, mỏ than lộ thiên Boortai, có diện tích gần 200 km2, đã được tái sử dụng với 1,12 triệu tấm pin Mặt Trời. Có thông tin cho rằng sau khi những nỗ lực phủ xanh lại toàn bộ khu mỏ không thành công, việc lắp đặt pin năng lượng Mặt Trời đã được áp dụng.
Các tấm pin Mặt Trời lấp đầy hố cũ cùng với thảm thực vật phát triển mạnh ở phía dưới được đánh giá là một giải pháp bền vững về mặt kinh tế.