Theo hãng tin Reuters, như nhiều nước trong khu vực, Hungary đã giảm được số ca mắc bệnh trong giai đoạn đầu đại dịch hồi tháng 3-4/2020 nhờ các biện pháp phong tỏa nhanh và nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, làn sóng mới đã càn quét khu vực năm 2021, khiến Hungary đã vượt CH Séc về số ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới tính theo đầu người.
Các chuyên gia giải thích rằng tình trạng này là do biến thể SARS-CoV-2 nguồn gốc Anh lây lan nhanh trong khu vực. Số ca mắc biến thể mới chiếm phần lớn ca bệnh hiện nay. Nhiều gia đình có cả nhà mắc COVID-19.
Tại Hungary, đã có gần 19.000 ca tử vong vì COVID-19 trên tổng số gần 10 triệu dân.
Tổng Y sĩ Hungary Cecilia Muller nói trong họp báo: “Tôi đề nghị các bạn làm mọi việc có thể để tránh nhiễm bệnh và tránh phải đi viện vì các bệnh viện đang gặp khó khăn do gánh nặng bất thường”.
Bà Muller cho biết khoảng 500 tình nguyện viên đã trợ giúp các bệnh viện theo lời kêu gọi của chính phủ.
Đầu tháng này, khoảng 4.000 nhân viên y tế đã bỏ hệ thống y tế công cộng sau khi chính phủ thực hiện cải cách, khiến tình trạng thiếu nhân viên y tế nhiều năm nay thêm trầm trọng.
Ngày 24/3, ông Tamas Sved, Thư ký Phòng Y khoa Hungary, cho biết nếu không làm giảm được số ca mắc mới thông qua giảm tiếp xúc xã hội thì Hungary có thể trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất.
Đông Âu cũng là nơi có nhiều nhà máy lớn, người lao động không thể làm việc từ xa. Hơn nữa, trong thời điểm này, các chính phủ ngần ngại áp đặt nhanh chóng biện pháp phong tỏa, sợ nền kinh tế sẽ chịu trận sau đợt suy thoái năm ngoái.
Mặc dù số ca mắc mới ở Séc và Slovakia bắt đầu giảm, nhưng Ba Lan vẫn ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, gần 30.000 ca ngày 24/3. Chính phủ Ba Lan đã phải đưa bệnh nhân tới nhiều khu vực để giảm tải cho các bệnh viện.
Ba Lan đã yêu cầu rạp hát, trung tâm mua sắm, khách sạn và rạp chiếu phim đóng cửa từ tuần trước khi số ca mắc gia tăng. Dự kiến sẽ có thêm biện pháp hạn chế đợt Lễ Phục sinh sắp tới.
Nhà xã hội học Daniel Prokop nhận định: “Vì lý do nào đó mà phần lớn Đông Âu đã thất bại trong cuộc chiến chống đại dịch”.
Ông Prokop cho biết do khu vực Trung Âu có nhiều nhà máy nên người lao động thường làm việc tại chỗ, dẫn tới lây nhiễm bệnh cho nhau.
Thu nhập thấp cũng khiến nhiều người buộc phải làm việc cho dù có nguy cơ mắc bệnh và lây cho người khác. Các chính phủ trong khu vực trả tiền nghỉ ốm cho người lao động thấp hơn Tây Âu.
Sau khi số ca nhập viện tăng tới mức nghiêm trọng, Séc đã phải phong tỏa nghiêm ngặt hơn từ ngày 1/3 và thực hiện xét nghiệm diện rộng tại nơi làm việc.
Thủ tướng Séc Andrej Babis thừa nhận sai lầm rằng chính phủ đã chậm phản ứng với dịch bệnh hồi mùa thu khi số ca bệnh tăng vọt.
Trong khi đó, các nước Đông Âu vẫn đang chạy đua trong tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân. Hungary là nước dẫn đầu Liên minh châu Âu về nhập khẩu vaccine và tỷ lệ tiêm vaccine theo đầu người. Nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho 1,7 triệu dân, nhưng vẫn chưa đủ.