Biến thể Delta khiến dịch bệnh trên thế giới ngày càng phức tạp

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 182.307.608 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.948.053 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 166.861.299 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tại một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh trên thế giới đang trở nên ngày càng phức tạp với số ca nhiễm biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) tăng mạnh. 

Tại Mỹ, giới chức cảnh báo biến thể Delta có thể sẽ sớm trở thành biến thể chủ yếu ở nước này. Thống kê của trang covSpectrum cho thấy biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh và hiện chiếm 35,6% số ca mắc trong 2 tuần qua. Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta dễ lây lan. Theo nghiên cứu của Anh, vaccine của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% trong phòng ngừa biến thể Delta nếu tiêm đủ 2 liều, nhưng nếu tiêm một liều chỉ đạt hiệu quả 33%.

Tại châu Âu, Nga ngày 29/6 ghi nhận thêm 652 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên tới 134.545 ca. Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta đã làm gia tăng số ca nhiễm ở Nga. Nga cũng có thêm 20.616 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 5.493.557 ca.

Tương tự, Pháp thông báo biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này, tăng so với tỷ lệ 9 - 10% số ca mắc được ước tính vào tuần trước. Bộ trưởng Y tế Pháp  Olivier Veran cảnh báo tương tự các quốc gia khác trên thế giới, biến thể Delta đang dần trở nên áp đảo tại nước này vì đặc tính dễ lây lan hơn so với các biến thể khác.

Đức cũng cho biết các ca mắc mới biến thể Delta đã tăng hơn gấp đôi trong hơn một tuần qua. Việc biến thể mới này lây lan mạnh trên thế giới đã khiến một số quốc gia buộc phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đi lại.

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tạm dừng các chuyến bay và tất cả các chuyến bay thẳng từ Bangladesh, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka do sự bùng phát dịch COVID-19 liên quan đến các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Những người đến từ các vùng lãnh thổ khác nhưng đã từng ở các quốc gia được liệt kê trong danh sách trên trong vòng 14 ngày qua sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và những người này sẽ phải cách ly trong 14 ngày. Trong khi đó, những hành khách đến từ Pakistan và Afghanistan hoặc đã ở đó trong 14 ngày qua sẽ cần phải cách ly ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 ngày sau khi nhập cảnh. Những người đến từ Anh, Iran, Ai Cập và Singapore sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, Campuchia đến nay phát hiện 22 ca nhiễm biến thể Delta. Nước này ngày 29/6 cũng có thêm 723 ca mắc COVID-19 và 19 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 49.255 ca và 575 ca tử vong. 

Trong khi đó, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây đang đẩy Indonesia bên bờ vực của một "thảm họa", khi biến thể Delta đang lây lan mạnh tại nước này khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Indonesia ghi nhận thêm 20.467 ca mắc mới và 463 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.156.465 ca và 58.024 ca tử vong.  Các bệnh viện ở một số khu vực thuộc "vùng đỏ" đều bị quá tải, trong đó có thủ đô Jakarta, với 93% giường bệnh được lấp đầy tính tới ngày 27/6. Bộ trưởng Y tế Indonesia đang thúc đẩy các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt hơn nhằm khống chế dịch lây lan. 

Nước láng giềng của Indonesia là Malaysia cũng có thêm 6.437 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 745.703 ca. Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong một lần nữa nhấn mạnh quốc hội cần sớm được triệu tập trở lại để thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp và Luật Khẩn cấp. 

Tình hình dịch bệnh tại Philippines cũng tương tự với 4.479 ca mắc mới và 101 ca tử vong nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.408.058 ca và 24.557 ca tử vong. Chính phủ Philippines đã quyết định kéo dài quy định hạn chế đi lại và kinh doanh ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến giữa tháng 7 tới, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở các khu vực miền Trung và miền Nam. Các địa điểm vui chơi giải trí, công viên và các môn thể thao tiếp xúc đều bị cấm tại thủ đô và các tỉnh lân cận, trong khi nhà hàng, phòng tập và các điểm du lịch trong không gian kín được phép đón khách tương đương 40% công suất phục vụ. Ngoài ra, Philippines cũng kéo dài lệnh cấm nhập cảnh từ Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và hầu hết các quốc gia Nam Á nhằm ngăn chặn các biến thể lây lan nhanh.

Tại Hàn Quốc, do lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta, Trung tâm an toàn và đối phó với thảm họa của nước này (CDSCH) đã công bố danh sách 21 quốc gia không được miễn cách ly 14 ngày, kể cả khi người nhập cảnh từ các nước này đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Trong số các nước này có Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Philippines, Nam Phi...

Còn Thái Lan đã hủy kỳ nghỉ đặc biệt vào ngày 27/7 tới, vốn được công bố trước đó để thúc đẩy du lịch nội địa, do lo ngại về tình hình dịch COVID-19. Hồi cuối năm ngoái, Nội các Thái Lan đã quyết định ngày 27/7 là ngày nghỉ đặc biệt để kết hợp với những ngày nghỉ lễ chính thức khác nhằm tạo ra một kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 5 ngày từ 24 - 28/7, qua đó khuyến khích người dân đi du lịch. Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 vẫn còn rất đáng lo ngại và người dân không nên đi du lịch đến các tỉnh khác trong thời gian này, Nội các Thái Lan đã hủy bỏ quyết định nói trên. Thái Lan ngày 29/6 ghi nhận thêm 4.662 ca mắc mới COVID-19 và 36 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 254.515 ca, trong đó có 1.970 ca không qua khỏi. 

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng mạnh tại một số quốc gia Đông Nam Á, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ viện trợ cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan mỗi nước khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ tuần này. Nhật Bản dự kiến sẽ gửi các liều vaccine của hãng dược AstraZeneca Plc (Anh) tới Malaysia và Indonesia vào ngày 1/7 trong khi tới Philippines và Thái Lan lần lượt vào ngày 8/7 và 9/7. 

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Sydney, Australia khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 26/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, chính quyền bang Queensland đã ban bố lệnh phong tỏa kéo dài 3 ngày đối với khu vực Đông Nam bang này và một số khu vực lân cận từ 18h ngày 29/6, sau khi địa phương này ghi nhận 2 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua. Với lệnh phong tỏa trên, khoảng 12 triệu người Australia, tương đương gần một nửa dân số quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này, sẽ phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của chính quyền các địa phương nhằm đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm mới do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra.

Trong khi đó, New Zealand thông báo sẽ mở lại một phần chương trình "bong bóng du lịch" với Australia từ ngày 5/7 tới, áp dụng với các bang không ghi nhận ca nhiễm nào. Cụ thể, hình thức du lịch không cách ly sẽ được nối lại với các bang Nam Australia, vùng lãnh thổ thủ đô (ACT), Tasmania và Victoria.

Minh Châu  (TTXVN)
Viện Gamaleya: Sputnik V đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng ngừa biến thể Delta
Viện Gamaleya: Sputnik V đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng ngừa biến thể Delta

Theo hãng thông tấn RIA, Viện Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V của Nga ngày 29/6 cho biết vaccine này đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng chống biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vốn có tốc độ lây lan rất nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN