Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại cuộc họp về các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Bộ Y tế Nam Phi chủ trì hôm 18/1, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Salim Abdool Karim cho biết ngoài tốc độ lây lan nhanh, biến 501Y.V2 có khả năng bám dính chặt và sâu hơn bên trong tế bào vật chủ, do đó khiến bệnh tình nặng hơn cũng như khó chữa trị hơn so với virus SARS-CoV-2.
Phát hiện lần đầu tại khu vực Mandela Bay từ tháng 8/2020, biến thể 501Y.V2 được chuyên gia y tế đánh giá là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Nam Phi tăng vọt trong những tháng gần đây, đặc biệt tại khu vực phía Nam bao gồm 2 tỉnh duyên hải Eastern Cape và Western Cape, nơi có thành phố du lịch mang tính biểu tượng toàn cầu là Cape Town.
Tại cuộc họp, giáo sư Karim, đồng thời là trưởng Nhóm tư vấn chính phủ về công tác ứng phó dịch COVID-19 nêu rõ, với 23 đột biến khác nhau, ngoài khả năng lây lan với tốc độ rất nhanh, biến thể 501Y.V2 còn khiến công tác tầm soát dịch bệnh của các lực lượng chức năng càng thêm khó khăn. Theo ông Karim, hiện các nhà khoa học Nam Phi đang tiến hành nghiên cứu xem liệu các loại vaccine ngừa COVID-19 đang lưu hành có bị giảm hiệu quả đối với biến thể 501Y.V2 hay không.
Trước đó, hôm 8/1, Học viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) thông báo các chuyên gia tại học viện đang thu thập mẫu bệnh phẩm từ các tình nguyện viên đã được tiêm thử nghiệm vaccines ngừa COVID-19 để kiểm tra xem các kháng thể có bị giảm động lực đối với 501Y.V2.
Trong khi đó, cũng trong ngày 8/1, công ty BioNTech của Đức tuyên bố một nghiên cứu sơ bộ cho thấy vaccine của hãng này có tác dụng chống lại đột biến quan trọng trong các biến thể của virus SAR-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện ở Anh và Nam Phi mà các chuyên gia cho rằng dễ lây lan hơn so với các chủng virus corona thông thường.
Liên quan đến diễn biến dịch COVID-19 tại Nam Phi, nhiều hãng hàng không quốc tế đã tạm dừng hoặc giảm tần suất chuyến bay đến Nam Phi trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này hiện đã lây lan tới hàng chục quốc gia trên thế giới. Cùng lúc đó, có ít nhất 10 quốc gia tạm dừng kết nối đường không với Nam Phi bao gồm Đức, Hà Lan, Israel, Đan Mạch, Anh, Saudi Arabia, Việt Nam, Thụy Sĩ, Panama và Mauritius.
Tính đến hết ngày 18/1, Nam Phi đã ghi nhận hơn 1.346.936 ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số hơn 3,2 triệu ca nhiễm toàn châu Phi. Từ đầu tháng 1 đến nay, Nam Phi có thêm 260.000 ca nhiễm và hơn 8.000 ca tử vong do COVID-19. Số người nhập viện điều trị đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát - lên tới hơn 20.000 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% bệnh nhân cần hỗ trợ thở oxy.