Ngày 26/11, WHO đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại. Nhằm ngăn chặn nguy lây nhiễm biến thể mới, nhiều nước đã ban hành lệnh tạm thời ngừng hoạt động vận tải hàng không từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Các nhà khoa học Anh mới đây đã cảnh báo về sự xuất hiện của biến thể B.1.1.529 với số lượng đột biến "rất cao", lên tới 32 đột biến trong protein gai. Giới khoa học nhận định nhiều khả năng biến thể này nguy hiểm hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 và né tránh hệ miễn dịch. . Chủng mới cũng đã được phát hiện ở Nam Phi, Botswana, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Israel và Bỉ.
Slovenia - quốc gia đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) - ngày 26/11 thông báo các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron. Slovenia thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng một ủy ban các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia EU "đã nhất trí cần kích hoạt việc ngừng khẩn cấp hoạt động đi lại tới miền Nam châu Phi và tạm thời áp đặt hạn chế đối với mọi hoạt động đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi vào EU".
Một số quốc gia châu Âu bao gồm Pháp và Anh đã bắt đầu hạn chế các chuyến bay từ khu vực này do lo ngại về biến thể virus mới nhất này. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã đưa các quốc gia miền Nam châu Phi vào “danh sách đỏ” từ ngày 26/11 do lo ngại biến thể Omicron có thể đã lan rộng ra các nước khác.
Đức sẽ đưa Nam Phi vào danh sách các khu vực ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 từ ngày 27/11, qua đó chỉ cho phép công dân và người sinh sống tại Đức được nhập cảnh.
Từ ngày 27/11, Áo cũng sẽ cấm các chuyến bay từ Nam Phi và Botswana sau khi hai nước này ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thông báo, các chuyến bay từ Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini cũng sẽ bị cấm hạ cánh do Áo áp dụng các biện pháp nhằm "giảm tốc độ lây lan của biến thể mới trên toàn cầu".
Cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga thông báo, từ ngày 28/11 nước này sẽ hạn chế công dân từ chín nước châu Phi và Hong Kong (Trung Quốc) nhập cảnh.
Không nằm ngoài mối quan ngại toàn cầu về biến thể Omicron, Mỹ, Brazil, Canada và Saudi Arabia đã trở thành những quốc gia mới nhất quyết định hạn chế việc đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi. Động thái này có khả năng “giáng một đòn” nặng nề vào nỗ lực của thế giới nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.
Tuyên bố của chính quyền Mỹ nhấn mạnh Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho người Mỹ và đánh bại đại dịch. Các hạn chế đi lại mới sẽ không áp dụng cho công dân Mỹ và người thường trú hợp pháp, mặc dù họ phải xuất trình bằng chứng về kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến quốc gia này. Tổng thống Biden cũng kêu gọi người Mỹ hãy tiêm phòng hoặc tiêm liều tăng cường.
Quyết định cấm du khách đến từ các quốc gia châu Phi được đưa ra chưa đầy ba tuần sau khi các du khách quốc tế được chào đón trở lại Mỹ. Các quan chức Mỹ đang liên hệ chặt chẽ với các quan chức y tế công cộng ở Nam Phi để tìm hiểu thêm về biến thể mới này và liệu Omicron có kháng vaccine hay không.
Chánh văn phòng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 26/11 cho biết, nước này sẽ đóng cửa biên giới đối với khách du lịch đến từ sáu quốc gia Nam Phi, do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Bolsonaro nói với báo giới rằng ông đang xem xét thực hiện các biện pháp liên quan đến biến thể này, nhưng tiếp tục nhấn mạnh việc ông phản đối các quy định hạn chế chặt chẽ. Ông nói: "Brazil không thể chống đỡ thêm một đợt phong tỏa xã hội nào nữa. Sợ hãi thì không có ích gì. Tôi sẽ thực hiện các biện pháp hợp lý".
WHO cũng đã cảnh báo rằng, các quốc gia không nên vội vàng áp đặt các hạn chế đi lại do biến thể này, thay vào đó khuyến nghị một "cách tiếp cận dựa trên cân nhắc rủi ro và bằng chứng khoa học".
Bộ Y tế Nam Phi đã công kích việc châu Âu vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại để làm chậm sự lây lan của một biến thể virus SARS-CoV-2 mới là "hà khắc, phản khoa học” và trái với khuyến cáo của WHO.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho hay, nếu so sánh tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày giữa Nam Phi và một số nước châu Âu, động thái này "thực sự không có vẻ khoa học". Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp biến thể virus mới và lập luận rằng mọi người sẽ "có thể che giấu những phát hiện bệnh mới vì nó quá rủi ro".
Theo WHO, sẽ phải mất vài tuần để tìm hiểu xem liệu các đột biến mới được phát hiện có làm cho virus trở nên độc hại hơn hoặc có khả năng lây truyền mạnh hơn hay không.