Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông lên tới hàng chục nghìn người biểu tình kêu gọi chính phủ từ chức. Khoảng 30 cảnh sát cũng bị thương, trong đó 11 người đã phải nhập viện.
Phe đối lập chỉ trích cảnh sát đã sử dụng vũ lực thái quá, tuy nhiên cảnh sát bác bỏ chỉ trích này và cho biết đây là cách để chống lại các hành động của những kẻ quá khích.
Truyền thông địa phương cho biết có tới 80.000 người đã đổ xuống đường, trong đó có nhiều công dân Romania đang sống ở nước ngoài trở về để bày tỏ sự bất bình trước tình trạng tham nhũng lan tràn ở quê hương. Họ tụ tập tại một quảng trường trung tâm, bên ngoài tòa nhà chính phủ. Khoảng 1.000 nhân viên an ninh chống bạo động đã được triển khai để giải tán đám đông.
Trong khi đó, một cuộc biểu tình khác đã được lên kế hoạch vào tối 11/8 cũng tại thủ đô Bucharest.
Năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đặt Romania - một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong khối, vào cơ chế giám sát hành động cải cách tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng.
Trong một động thái gây tranh cãi hồi tháng trước, Romania đã cách chức Trưởng công tố, người đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng (DNA), Laura Codruta Kovesi. Bà được xem như một biểu tượng của cuộc chiến chống tham nhũng tại Romania. Trong thời gian bà điều hành DNA, các vụ truy tố tham nhũng đã tăng đột biến, khiến bà nhận được sự hoan nghênh của EU, song lại bị giới chính khách coi như kẻ thù.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader đã đề nghị cách chức Trưởng công tố Kovesi với lý do quan chức này vượt quá thẩm quyền và hủy hoại hình ảnh quốc gia ở nước ngoài. Hôm 30/5 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Romania ra phán quyết cho rằng Tổng thống không có quyền hiến pháp để phản đối đề nghị cách chức của Bộ trưởng Tư pháp, và bà Kovesi đã phải rời nhiệm sở.