Cảnh sát Sudan cũng đã duy trì hiện diện bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo chính ở thủ đô Khartoum. Nhiều nhân chứng cho biết, một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn cũng diễn ra cùng ngày tại ít nhất 8 địa điểm lân cận quanh thủ đô Khartoum, song đã bị giải tán không lâu sau đó.
Cùng ngày, Bộ Giáo dục Sudan thông báo đóng cửa trường học và nhà trẻ tại Khartoum để đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ của nước này cho rằng các “đối tượng phá hoại” đã kích động những cuộc tuần hành ôn hòa thành “hành động lật đổ”.
Trước đó, biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ngày 20/12, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, trong bối cảnh hàng nghìn người xuống đường phản đối các điều kiện kinh tế khắc khổ. Một số đối tượng biểu tình thậm chí kêu gọi lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir trong khi một số khác đốt phá văn phòng đảng cầm quyền tại thành phố Dongola và Atbara.
Sau khi Nam Sudan tách ra độc lập từ năm 2011, Sudan lâm vào khủng hoảng kinh tế khi mất tới 75% nguồn doanh thu từ dầu mỏ. Trong tháng 10 vừa qua, Sudan đã phá giá mạnh đồng nội tệ của nước này từ 29 bảng Sudan đổi 1 USD còn 47,5 bảng Sudan đổi 1 USD. Động thái này khiến giá cả tăng mạnh và đổ vỡ tín dụng, đồng thời khoảng cách tỷ giá đồng nội tệ giữa thị trường chính thức và thị trường “chợ đen” tiếp tục nới rộng. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nhiên liệu, bánh mì khiến giá cả các mặt hàng này tăng vọt, dẫn tới lạm phát leo thang ở Sudan.