Ngày 16/2, hàng nghìn người dân Bồ Đào Nha đã đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ nước này buộc phải áp đặt theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.
Khoảng 5.000 người, theo lời kêu gọi của Tổng liên đoàn lao động Bồ Đào Nha (CGTP), đã tụ tập tại một khu phố kinh doanh đông đúc ở thủ đô Lisbon, trong khi hàng chục nghìn người tại gần 20 thành phố khác trên khắp cả nước cũng nhiệt tình hưởng ứng hoạt động này.
Những người biểu tình cho rằng chính sách kinh tế khắc khổ mà chính phủ nước này áp đặt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thất nghiệp cao, giảm đầu tư cho giáo dục, hưu trí và bảo hiểm y tế... cũng như khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng lên, trong đó có tiền thuê nhà, tiền nước và tiền điện. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ các cam kết với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời từ chức và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới
Theo số liệu mới nhất do Viện Thống kê quốc gia Bồ Đào Nha công bố, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng mạnh trong quí cuối cùng của năm ngoái, lên mức 16,9%, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 lại giảm tới 3,2%. Dự báo, GDP nước này sẽ tiếp tục sụt giảm 1,9% trong năm nay, sau đó phục hồi khiêm tốn với mức tăng 1,3% trong năm 2014.
Tháng 5/2011, EU và IMF cam kết dành cho Bồ Đào Nha gói cứu trợ vỡ nợ trị giá 78 tỷ ơrô (tương đương 102 tỷ USD). Đổi lại, Lixbon phải thực hiện một chương trình cải cách kéo dài 3 năm. Tháng 11/2012, Chính phủ liên hiệp theo đường lối trung hữu của Bồ Đào Nha đã thông qua ngân sách "thắt lưng buộc bụng" cho năm 2013, bị đánh giá là sẽ tác động đến mọi đối tượng do giảm thu nhập của người dân thông qua tăng thuế và giảm chi phí an sinh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra trong suốt thời gian qua tại Bồ Đào Nha.
TTXVN/ Tin tức