Ngày 7/2, hàng nghìn người gồm nhân viên cứu hỏa, y tá và công nhân viên các lĩnh vực dịch vụ công khác đã tụ tập tại một đường phố ở trung tâm thủ đô Mađrít của Tây Ban Nha để biểu tình phản đối quyết định của chính phủ tăng giờ làm và cắt giảm trợ cấp y tế.
Ngày 7/2, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình tại Mađrít (Tây Ban Nha), phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và cắt giảm chi phí xã hội của chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những người biểu tình cáo buộc chính phủ "hy sinh" quyền lợi của những người làm việc trong khu vực công, mà phần lớn trong số họ chỉ có thu nhập khoảng 1.000 euro/tháng, để củng cố tài chính công, vốn bị suy yếu do chi tiêu quá nhiều cho an sinh xã hội và các dịch vụ khẩn cấp. Cuộc biểu tình đã làm cho các ngành dịch vụ công ở Mađrít đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Cùng ngày, các công đoàn Hy Lạp đã phát động cuộc tổng bãi công để phản đối việc các nhà tài trợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) yêu cầu Aten thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ, trong có cắt giảm lương, trợ cấp y tế, lương hưu... để đổi lấy gói cứu trợ tài chính trị giá 130 tỷ euro. Những người biểu tình giận dữ đốt cờ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vì cho rằng Béclin đang đi tiên phong trong việc thực thi chính sách cứng rắn đối với Hy Lạp.
Trong tình cảnh "nội công ngoại kích" này, các chính đảng ở Hy Lạp dường như đã "đổ thêm dầu vào lửa" khi tiếp tục trì hoãn đàm phán về các điều kiện nhận gói cứu trợ nói trên. Hy Lạp sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi nước này không có tiền để thanh toán khoản nợ 14,4 tỷ euro đáo hạn vào ngày 20/3 tới.
TTXVN/Tin Tức