Các cuộc biểu tình ở Hong Kong kéo dài tới sáng ngày 7/10 với hàng trăm sinh viên tiếp tục dựng trại ở giữa trung tâm thành phố sau hơn một tuần biểu tình và các cuộc đàm phán kín có dấu hiệu đạt được tiến triển.Người biểu tình tập trung tại Hong Kong ngày 5/10. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Sáng 6/10, những người biểu tình gồm chủ yếu là sinh viên đã dỡ một phần rào chắn lối vào tòa nhà chính quyền - tâm điểm của các cuộc biểu tình mà ban đầu đã lôi kéo hàng chục nghìn người đổ xuống đường phố. Các công chức nhà nước được phép đi qua rào chắn do người biểu tình dựng lên.
Nhiều đường phố ở khu trung tâm của Hong Kong - nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng quốc tế, các trung tâm thương mại xa hoa và một sàn giao dịch chứng khoản lớn - vẫn bị phong tỏa và xe cộ không đi lại được, tuy nhiên những người đi bộ có thể tự do đi qua khu vực này.
Trong tuần qua, hàng chục nghìn người biểu tình đã yêu cầu nhà lãnh đạo Đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh phải từ chức và đòi chính phủ trung ương Trung Quốc cho phép người dân Hong Kong quyền được bỏ phiếu lựa chọn nhà lãnh đạo của họ trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017.
Tình thế bế tắc này dường như sắp có bước ngoặt quan trọng khi một quan chức cấp cao nói rằng các cuộc đàm phán chính thức để giải quyết yêu cầu của những người biểu tình có thể sẽ bắt đầu trong tuần này.
Sau các cuộc thảo luận trù bị với các đại diện của sinh viên tối ngày 6/10, Lau Kong-wah, Phó ban Các vấn đề về Hiến pháp và Đại lục của chính phủ Hong Kong, cho biết cả hai bên đã nhất trí về những nguyên tắc chung cho các cuộc đàm phán chính thức.
Ông nói với các phóng viên: “Tôi cho rằng cuộc gặp ngày hôm nay đã thành công và đạt được tiến triển. Cả hai bên đều hy vọng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận này trong thời gian sớm nhất, có thể bắt đầu ngay trong tuần này”.
Công chức Hong Kong trở lại làm việc tại các cơ quan công quyền ngày 6/10. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Phong trào “Chiếm Trung tâm”, ý tưởng được hình thành một năm trước, đã trở thành một trong số những thách thức chính trị khó khăn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt kể từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989.
Đối mặt với tình trạng bất ổn đòi ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương, Bắc Kinh lo ngại rằng những đòi hỏi dân chủ ở Hong Kong có thể sẽ lan tới Đại Lục. Ban lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cuộc biểu tình ở Hong Kong là bất hợp pháp, song quyết định để chính quyền Đặc khu của ông Lương Chấn Anh tự tìm giải pháp.
Các sinh viên cho biết cuộc gặp đầu tiên nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức giữa quan chức của chính phủ và các đại diện của sinh viên đã được tổ chức ngày 5/10, và một cuộc gặp khác sẽ diễn ra vào ngày hôm nay, 7/10.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cho biết phong trào biểu tình đã gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Hong Kong, tuy nhiên ảnh hưởng đối với Trung Quốc chỉ ở mức hạn chế.
Nhà Kinh tế Trưởng chuyên về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới Sudhir Shetty, ngày 6/10, nói: “Điều mà chúng ta thấy trước đó là ảnh hưởng lớn hơn đối với Đặc khu Hành chính Hong Kong, tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Hong Kong sẽ chậm hơn so với dự đoán trước đó. Tuy nhiên, theo những đánh giá lạc quan nhất của chúng tôi, điều này vẫn chưa gây tác động lớn tới nền kinh tế Trung Quốc”.
TTK