Chiến dịch mang tên "Cuộc nổi dậy chống lại sự tuyệt chủng" được tổ chức nhằm hướng sự chú ý của công chúng đến các vấn đề liên quan tới khí hậu và hệ sinh thái, cũng như những phản ứng chậm chạp của các chính phủ trên khắp thế giới trước tình trạng nhiệt độ và mực nước biển tăng do khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hơn một nghìn người đã chặn cây cầu Waterloo tọa lạc ngay khu vực trung tâm thủ đô London và đặt các chậu cây dọc chiều dài cây cầu. Một số người đã dựng trại tại công viên Hyde để ngủ qua đêm nhằm chuẩn bị cho các cuộc biểu tình trong hai ngày tới.
Trong khi đó, một số người biểu tình đã vẽ các bức tranh graffiti và đập vỡ cửa sổ của tòa nhà văn phòng thuộc tập đoàn năng lượng Royal Dutch Shell. Cảnh sát đã bắt giữ một số đối tượng khả nghi tại tòa nhà, trong khi những người biểu tình giương cao băng rôn với nội dung "nhiên liệu hóa thạch đang giết chết chúng ta". Những người biểu tình còn dựng các quầy bán thức ăn chay và đẩy xe bán hàng tới các ngã tư đường phố nổi tiếng ở thủ đô London như Piccadilly và Oxfort Circus.
Không chỉ ở Anh, hoạt động biểu tình chống biến đổi khí hậu cũng diễn ra sôi nổi tại các nước châu Âu khác. Tại thủ đô Berlin của Đức, khoảng 100 nhà hoạt động môi trường đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi khiến giao thông tại một cây cầu trung tâm bị tê liệt trong 2 giờ đồng hồ. Khoảng vài chục người cũng chặn một trong những lối vào của công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol ở Madrid với một dòng chữ: "Không có kế hoạch B".
Tình trạng biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Một loạt báo cáo công bố gần đây cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết khi lượng khí thải carbon dioxide tiếp tục tăng cao. Hồi năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.