Hiệu trưởng Sheikh cho biết mặc dù nhà trường có một thư viện nhưng vẫn còn những hạn chế nên khó có thể giúp học sinh hình thành thói quen đọc. Ông đã gửi thư tới chính quyền địa phương đề nghị nâng cấp thư viện trường và ngay lập tức được đáp ứng. Thư viện được bổ sung thêm 200 quyển sách với nhiều thể loại khác nhau từ văn học, sinh học, tiếng Anh cho tới chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, thầy Sheikh còn tổ chức nhiều hoạt động khác để tăng tính tương tác với học sinh như thành lập một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội hay tổ chức các cuộc thi kể chuyện.
Không những thế, các em học sinh trong trường còn chủ động đăng ký thẻ thư viện thành phố. Theo ông Sheikh, việc hình thành thói quen đọc cũng giúp các học sinh cải thiện khả năng đọc viết, nâng cao vốn từ vựng, kiến thức chung và tập trung hơn vào việc học.
Musen Abubakkar Siddiq, học sinh lớp 12, tâm sự hằng tuần các em có 2 tiết tự học trên thư viện và nhờ đó mà trong suốt 2 năm qua em đã đọc được rất nhiều sách khác nhau. Nam sinh này chia sẻ: “Mỗi khi có triển lãm sách là hiệu trưởng lại gửi thông báo và khuyến khích học sinh tham gia… Em thích đọc các sách về văn học và bây giờ em đang đọc thơ của thi hào Subramania Bharathiyar. Chúng đã khích lệ em rất nhiều, giúp em tự tin đương đầu với những khó khăn. Mỗi khi nản lòng, em lại nhớ ngay tới những vần thơ khích lệ tinh thần của thi hào Bharathiyar. Sách giờ đã là người bạn trung thành của em”.
Trong khi đó, tại trường Kamal Jumblatt dành cho những học sinh tị nạn Syria ở thị trấn nhỏ Mukhtara của Liban, em Dilan Ibrahim, 16 tuổi, đã có những phút giây bình yên trong cuộc sống sau những khó khăn phải trải qua nhờ có những cuốn sách. Dilan bộc bạch: “Em thường thích đọc sách về đời sống, khoa học và các sách về động thực vật để hiểu hơn về thế giới bên ngoài". Em cũng chia sẻ ước mơ muốn trở thành bác sĩ để cứu sống mọi người.
Các giáo viên trường Kamal Jumblatt đã khuyến khích các học sinh tị nạn Syria tại đây hình thành thói quen đọc sách với hy vọng giúp các em vượt qua những nỗi đau và trở thành những người có ích cho xã hội. Các giáo viên đều khẳng định thói quen đọc sách đặc biệt cần thiết trong việc phát triển con người, nâng cao nhận thức qua đó giúp các em có những lựa chọn đúng đắn cho cuộc sống sau này.
Theo bà Aleisha Sheridan, Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch Building Blocks - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ về chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đọc sách có thể giúp giảm tới 70% căng thẳng. Những người thường xuyên đọc sách có thể giảm 20% nguy cơ tử vong trong hơn 12 năm so với người không đọc sách. Thậm chí nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chỉ 6 phút đọc sách cũng có thể giúp giảm căng thẳng và 30 phút đọc sách tương đương với 30 phút tập yoga.
Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), bà Audrey Azoulay khẳng định: “Sách là phương tiện quan trọng để tiếp cận, truyền tải và thúc đẩy giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin trên toàn thế giới”, “không thể phủ nhận tiềm năng của sách trong việc thúc đẩy sự hoàn thiện của mỗi cá nhân và tạo ra sự thay đổi xã hội”.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, tại kỳ họp lần thứ 28 Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris năm 1995, UNESCO đã lựa chọn ngày 23/4 hằng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới”(World Book and Copyright Day). Ngày này chính là dịp để khuyến khích mọi người ở tất cả các lứa tuổi hiểu được giá trị của sách và đọc sách nhiều hơn. UNESCO lựa chọn ngày 23/4 cũng bởi đây là ngày sinh và ngày mất của nhiều tác giả nổi tiếng, trong đó có nhà văn Tây Ban Nha Miguel Cervantes Miguel de Cervantes, “cha đẻ” của cuốn sách từng được bình chọn là “cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại” với nhân vật độc đáo Don Quixote, hay nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare. UNESCO mong muốn đây cũng là dịp tri ân các tác giả - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại, đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ tiếp tục bảo vệ bản quyền các tác phẩm.
Theo Tổng Giám đốc UNESCO, ngành công nghiệp xuất bản đang đối mặt với nhiều biến động lớn, đáng chú ý nhất là chuyển đổi số. Những thách thức này càng bộc lộ rõ hơn trong suốt giai đoạn dịch bệnh COVID-19 khi doanh thu của ngành này sụt giảm mạnh, kéo theo các tác giả, nhà sách hay thậm chí cả những chuyên gia sáng tạo trong lĩnh vực này dễ bị tổn thương hơn. Sự đa dạng văn hóa cũng bị ảnh hưởng khi số lượng đầu sách được xuất bản giảm dần. Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại công nghệ số đang thay đổi bộ mặt của ngành xuất bản, việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ sự đa dạng văn hóa càng trở nên quan trọng.
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 được tổ chức tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý nhất chính là việc UNESCO lựa chọn một thành phố trở thành “Thủ đô Sách thế giới”, nơi sẽ tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa xuyên suốt một năm dành cho mọi lứa tuổi để khơi dậy tình yêu đối với sách và văn hóa đọc. Năm nay, thành phố Guadalajara của Mexico đã có được vinh dự này nhờ xây dựng kế hoạch toàn diện về chính sách tập trung vào vai trò của sách và văn hóa đọc trong kích hoạt sự thay đổi xã hội, chống bạo lực và thiết lập văn hóa hòa bình. Các hoạt động xuyên suốt 1 năm của Guadalajara tập trung vào 3 mục tiêu chính: xây dựng lại không gian công cộng thông qua các hoạt động đọc sách trong công viên và các địa điểm công cộng khác; tăng cường gắn kết xã hội đặc biệt thông qua các hội thảo đọc và viết dành cho trẻ em; tăng cường bản sắc địa phương bằng cách kết nối các thế hệ, kể truyện hay làm thơ trên đường phố.
Tại Việt Nam, chuỗi sự kiện nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 tập trung vào chủ đề "Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng" với nhiều hoạt động tọa đàm nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; thu hút giới trẻ cũng như khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhân dịp này, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện diễn ra từ ngày 19 - 24/4 với nhiều hoạt động đặc sắc để hiện thực hóa mục tiêu "chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc" trong nhân dân. Từ năm 2021, Việt Nam cũng tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc vào ngày 21/4 trên phạm vi toàn quốc để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Qua những cuốn sách, các nhà văn, nhà thơ, biên tập viên, dịch giả và nhà xuất bản đã xây dựng những cây cầu nối xuyên lục địa và kết nối các nền văn hóa. Còn những người đọc không chỉ tìm thấy ở đó kiến thức, mà trong trường hợp của Musen Abubakkar Siddiq và Dilan Ibrahim, đó còn là niềm vui, niềm hy vọng, ước mơ, hoài bão... Còn Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay Azoulay thì kêu gọi mọi người phải trân trọng và bảo vệ sách như biểu tượng của hy vọng và đối thoại.