Binh biến đã nổ ra tại thủ đô Bamacô của Mali ngày 22/3, khi các binh sĩ nổi dậy tấn công dinh tổng thống, chiếm trụ sở đài phát thanh và truyền hình quốc gia, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.
Binh sĩ nổi loạn
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Mali, Ủy ban Khôi phục Dân chủ Quốc gia (NCED) của lực lượng nổi dậy khẳng định đã nắm quyền điều hành đất nước và sẽ hướng tới chuyển giao quyền lực này cho chính phủ mới được bầu một cách dân chủ. NCED tuyên bố giải tán các thể chế nhà nước, đình chỉ hiến pháp hiện hành và áp đặt lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Binh sĩ nổi loạn tràn vào các đường phố ở thủ đô Bamacô ngày 22/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Chiều cùng ngày, NCED ra tuyên bố thứ hai đóng cửa tất cả các tuyến biên giới cả trên biển và trên đất liền của Mali, yêu cầu các binh sỹ ngay lập tức tham gia NECD và đề nghị các quan chức chính quyền tới nhiệm sở làm việc bắt đầu từ ngày 27/3 (ai không chấp hành yêu cầu này có thể sẽ bị cách chức)
Theo NCED, sở dĩ binh biến nổ ra là do chính phủ "không có khả năng" giải quyết cuộc nổi loạn của cộng đồng người Tuareg ở miền bắc đất nước. Người phát ngôn của NCED, đại úy Amadou Konare, nhấn mạnh cuộc nổi dậy là kết quả của sự "thiếu các phương tiện cần thiết để bảo vệ quốc gia cũng như việc chính phủ không có khả năng chống khủng bố".
Trước đó, lực lượng nổi dậy đã tràn vào dinh tổng thống, bắt giữ một số bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Soumeylou Boubeye Maiga và Bộ trưởng Nội vụ Kafouhouna Kone. Có tin người đứng đầu lực lượng quân sự của chính phủ cũng đã bị bắt tại một doanh trại ở thành phố Gao (đông bắc Mali).
Theo các hãng tin nước ngoài, Tổng thống Amadou Toumani Toure có mặt trong dinh tổng thống lúc các binh sĩ nổi dậy và lực lượng an ninh đấu súng ở bên ngoài, nhưng sau đó đã được đưa đến một doanh trại quân đội ở thủ đô Bamacô và hiện trong tình trạng sức khỏe tốt. Một số quan chức hàng đầu khác như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ cũng an toàn.
Trong nhiều tuần qua, việc chính phủ từ chối cung cấp thêm vũ khí cho binh lính để đối phó với phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuareg đã khiến các binh sĩ nổi giận. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, song theo các nguồn thạo tin, nhiều binh sĩ đã thiệt mạng hoặc bỏ trốn do không thể để đối đầu với lực lượng của người Tuareg.
Quốc tế quan ngại
Dư luận thế giới đã lên tiếng phản đối cuộc binh biến tại Mali. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên ở Mali bình tĩnh và tôn trọng hiến pháp. Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ triệu tập cuộc họp về tình hình Mali trong ngày 23/3 (giờ VN).
Nhà Trắng ra tuyên bố phản đối hành động bạo lực của lực lượng nổi dậy ở Mali và yêu cầu khôi phục hiến pháp ngay lập tức.
Khối Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã ra tuyên bố lên án hành động sai trái của lực lượng đảo chính tại Mali, nước thành viên ECOWAS, đồng thời nhắc lại lập trường của ECOWAS là không dung thứ cho bất kỳ âm mưu nào nhằm chiếm quyền bằng những hành động vi hiến.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Jean Ping yêu cầu các tay súng tiến hành binh biến chấm dứt ngay lập tức những hành động của mình và tôn trọng hiến pháp.
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án cuộc đảo chính quân sự này và kêu gọi tuân thủ hiến pháp của Mali. Người phát ngôn của đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton đã yêu cầu đảm bảo sự an toàn và tự do của người dân Mali trong mọi trường hợp. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tuyên bố Pari sẽ ngừng hợp tác an ninh với Mali, đồng thời nhấn mạnh rằng hiến pháp Mali cần phải được tuân thủ và Tổng thống Toure cần phải được tôn trọng. Tuy nhiên, Pari vẫn duy trì viện trợ nhân đạo và tiếp tục các nỗ lực chống khủng bố tại Mali.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cùng ngày cho biết Trung Quốc lo ngại về sự hỗn loạn tại Mali, hy vọng tình hình tại đất nước Tây Phi này sẽ sớm trở lại bình thường. Bắc Kinh cũng cho rằng các vấn đề cần phải được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn.
Hồng Hạnh