Binh sĩ Mỹ đối mặt điều gì khi từ chối tiêm vaccine COVID-19

Các binh sĩ Mỹ có một số lựa chọn ít ỏi để từ chối tiêm vaccine COVID-19, nhưng phần lớn sẽ gặp rắc rối nếu chống lại yêu cầu mới của Bộ Quốc phòng.

Chú thích ảnh
Quân nhân Mỹ được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer tại Trung tâm Quân y Madigan, bang Washington. Ảnh: AP 

Theo trang Military, các hình thức kỷ luật đối với binh sĩ, đặc biệt là sĩ quan cấp cao, từ chối tiêm vaccine có thể bao gồm cả tước quân tịch.

Hôm 14/9, quân đội Mỹ đã ban hành một chỉ thị trên toàn quân về nghĩa vụ bắt buộc tiêm chủng. Đây là nhánh phục vụ công cuối cùng ở Mỹ thực hiện yêu cầu này, và cũng là nhánh quy định hạn chót xa nhất, cho phép các binh sĩ có một khoảng thời gian dài để được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo hướng dẫn mới, các binh sĩ Lục quân Mỹ được giao hạn chót phải tiêm phòng là ngày 15/12, Không quân và Lực lượng Vũ trụ có hạn chót là 2/11. Thủy quân lục chiến và các thủy thủ được yêu cầu thời hạn là 28/11, Lực lượng Dự bị và Vệ binh Quốc gia Lục quân thì được tiêm đến tận 30/6/2022, tức là dài hơn nửa năm so với các lực lượng khác. Các thành viên Vệ binh Quốc gia Không quân phải hoàn thành tiêm chủng trước 2/12.  

Lý giải về thời hạn dài dành cho lực lượng Vệ binh quốc gia, bà Christina Mundy, người phát ngôn Cục Vệ binh Quốc gia, cho biết: "Với quy mô, và sự phân tán địa lý của lực lượng Vệ binh Quốc gia, chúng tôi hiểu rằng sẽ cần thêm thời gian để triển khai một kế hoạch thực hiện khả thi nhất cho việc tiêm chủng đầy đủ cho các thành viên của chúng tôi",

Theo cập nhật mới nhất của Lầu Năm Góc, tổng cộng 1,1 triệu binh sĩ Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ ngừa COVID-19, căn bệnh đã lây nhiễm cho hơn 2.000 thành viên và giết chết 46 người.

Hướng dẫn mới của quân đội cho thấy, những binh sĩ từ chối tiêm chủng có thể đối mặt với "hình phạt hành chính hoặc phi xét xử, theo Luật tư pháp quân đội, bao gồm cả việc cắt giảm các nghĩa vụ hoặc tước quân tịch"

Các hình thức kỷ luật hành chính bao gồm khiển trách đối với tất cả các trường hợp từ chối tiêm vaccine mà không thuộc diện được miễn trừ. Khiển trách được coi là một hình phạt có thể giết chết quân nghiệp của một quân nhân Mỹ, nhưng trong một số trường hợp nhất định, nó có thể không bị ghi vào hồ sơ của người lính.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho lính Mỹ đóng tại Vilseck, Đức, ngày 3/5/2021. Ảnh: US Army 

Trong khi đó, các hình phạt tư pháp sẽ được xúc tiến bởi một đại tá trong cấp chỉ huy của quân nhân từ chối tiêm vaccine, hoặc một vị tướng trong những đơn vị không có đại tá.

Ở bước đầu tiên của quá trình này, người lính từ chối vaccine sẽ được tư vấn chính thức, trong đó có trao đổi với chỉ huy của họ. Sau đó quân đôi yêu cầu người này xem một video tuyên truyền từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) giải thích tính khoa học của tiêm vaccine.

Nếu tiếp tục từ chối, người lính sẽ gặp chuyên gia y tế để thảo luận thêm về lợi ích của việc tiêm chủng và giải quyết những mối quan tâm của quân nhân. Nếu người này tiếp tục không chịu tiêm chủng, chỉ huy của họ sẽ tham khảo ý kiến của Cố vấn Quân pháp – nhánh pháp lý của Quân đội Mỹ. Thủ tục này có thể dẫn đến quyết định buộc quân nhân xuất ngũ.

“Các chỉ huy sẽ tiến hành tách biệt bắt buộc đối với những binh sĩ từ chối vaccine”, Quân đội Mỹ cảnh báo trong hướng dẫn mới.

Quân đội Mỹ quy định có hai trường hợp miễn trừ tiêm vaccine đã có từ trước, nhưng không chắc sẽ được chấp thuận nếu các binh sĩ đưa ra yêu cầu này trước đó lại không từ chối các loại vaccine bắt buộc khác trong quân đội, như vaccine đậu mùa, cúm và viêm gan.

Việc một quân nhân được chấp nhận miễn trừ tôn giáo để từ chối vaccine COVID-19 cũng khó khăn do các tổ chức tôn giáo lớn ở Mỹ đã ủng hộ tiêm vaccine này vì lý do đạo đức.

Ngoài ra quân nhân cũng có thể xin miễn trừ y tế khi có lo ngại chính đáng về sức khỏe, được các chuyên gia y tế xác nhận, chẳng hạn như lịch sử phản ứng bất lợi với các loại vaccine. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nga phản đối quy định lãnh đạo thế giới dự họp Đại hội đồng LHQ phải tiêm vaccine
Nga phản đối quy định lãnh đạo thế giới dự họp Đại hội đồng LHQ phải tiêm vaccine

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ quan điểm “ngạc nhiên và thất vọng” khi Chủ tịch Đại hội đồng LHQ ủng hộ quy định các đại biểu dự phiên họp tại New York phải cung cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN