Vaccine nói trên do hãng BioNTech của Đức phối hợp với Pfizer của Mỹ sản xuất, đã được một số nước cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Thị trưởng San Francisco (Mỹ), ông London Breed ngày 15/12 thông báo thành phố này đã tiến hành tiêm phòng cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Những liều vaccine đầu tiên trong số 12.675 liều mà San Francisco sẽ nhận được từ chính phủ liên bang đã bắt đầu được tiêm tại Bệnh viện đa khoa Zuckerberg San Francisco. Trước đó, tối 14/12 (giờ Việt Nam), một y tá tại New York đã trở thành người đầu tiên tại Mỹ được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Cùng ngày 15/12, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng vaccine của BioNTech/Pfizer ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và có thể bắt đầu đầu ngay từ Giáng Sinh.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã lên kế hoạch nhóm họp để thảo luận về việc cấp phép cho vaccine của Pfizer và BioNTech vào ngày 21/12 tới. EMA cho biết sau khi nhận được dữ liệu, cơ quan này quyết định đẩy nhanh thời gian nhóm họp lên một tuần, thay vì đợi đến ngày 29/12.
Hiện vaccine của BioNTech/Pfizer đã được phê chuẩn tại nhiều nước, như Anh, Mỹ, Mexico, Canada, Singapore, Bahrain và Saudi Arabia...